Trà Vinh chung tay chăm lo cho người khuyết tật
Lượt xem: 850
0:00 / 0:00

Sức khỏe kém, cơ thể khiếm khuyết, khó khăn trong vận động, học tập, tìm việc làm… luôn là trở ngại mà người khuyết tật phải đối mặt. Song, với nghị lực vượt khó cùng chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, các Hội, đoàn thể, người khuyết tật tỉnh Trà Vinh đã mạnh dạn vươn lên, trở thành những tấm gương sống đầy nghị lực và có ích cho xã hội.

anh tin bai

Anh Thạch Sương tăng gia nuôi gà vườn tại nhà

Khuyết tật chân từ nhỏ, di chuyển rất khó khăn nhưng anh Thạch Sương, ngụ ấp Ba Tiêu, xã Đa Lộc vẫn ngày ngày đi bán vé số ở khu vực chợ huyện Châu Thành.

 Được các cấp chính quyền, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Trà Vinh quan tâm, động viên, tạo điều kiện hỗ trợ vật chất, anh Sương cố gắng vượt khó để vươn lên trong cuộc sống, tránh làm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Từ số vốn 2,5 triệu do Hội Bảo trợ tỉnh trao, anh Sương có thêm điều kiện để phát triển sinh kế, ổn định cuộc sống. Mỗi ngày, anh Sương bán được 150 tờ vé số, lợi nhuận 150.000 đồng.

 Để trang trải, tăng thêm thu nhập lo cho vợ cũng là nạn nhân nhiễm chất độc da cam và 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, anh Sương tích góp nuôi thêm gà thả vườn bán trứng và thịt. Tuy vẫn còn không ít trở ngại nhưng anh Thạch Sương luôn nỗ lực, có ý chí, lao động bằng chính đôi tay và sức lực của mình để hòa nhập cộng đồng. Giờ đây, gia đình anh đã cải thiện cuộc sống và thoát nghèo thành công.

 Trao đổi với chúng tôi, bà Lâm Thị Cúc Huỳnh, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Châu Thành cho biết: Từ nguồn vốn vận động của Hội hỗ trợ cho Châu Thành 2 đối tượng, thời gian qua sau khi nhận được vốn, gia đình anh Thạch Sương ở Ba Tiêu, xã Đa Lộc đã sử dụng rất tốt, đem lại hiệu quả tích cực. Khi có vốn, anh lấy vé số đi bán khu vực chợ Châu Thành và các phường ở Trà Vinh. Song song đó, anh có nuôi thêm gà xoay vòng, tạo thu nhập cho gia đình. Quan trọng nhất là 2 đứa con đều đến trường, đứa lớn học lớp 11, đứa nhỏ học lớp 6.

Còn với ông Huỳnh Văn Lập, ngụ ấp Tân Trung Giồng B, xã Hiếu Trung, huyện Tiểu Cần, niềm vui trong căn nhà mới vừa đưa vào sử dụng tháng 2/2024 đến nay vẫn còn vẹn nguyên. Trước kia, vợ chồng ông và 3 đứa cháu sống trong căn nhà cũ nhỏ được chắp vá từ nhiều mảnh ván, tấm bạt che mưa, che nắng. Bản thân ông bị khuyết tật, lại bị tai nạn lao động ảnh hưởng não bộ nên không thể làm việc nặng. Vợ ông Lập, bà Lê Thị Biết là lao động thời vụ, ai thuê gì làm đó, thu nhập bấp bênh, trông chờ chủ yếu vào số tiền hỗ trợ hàng tháng của Nhà nước.

anh tin bai

Vợ chồng ông Huỳnh Văn Lập nhận hỗ trợ từ các Hội từ thiện

 Xét thấy gia đình ông Lập có hoàn cảnh khó khăn, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh huyện Tiểu Cần đã vận động Hội từ thiện Tzuchi xây dựng ngôi nhà mới cho gia đình ông. Ngôi nhà hoàn thành có diện tích hơn 60m2, tổng kinh phí xây dựng 83 triệu đồng. Trong đó, Hội hỗ trợ 50 triệu đồng, phần còn lại do gia đình đối ứng.

Với những hoạt động hỗ trợ thiết thực, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Trà Vinh đã trở thành cầu nối gắn kết những trái tim thiện nguyện trong và ngoài tỉnh. Qua đó, trợ giúp vật chất lẫn tinh thần cho nhiều mảnh đời kém máy mắn.

Bà Trần Ngọc Trang, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh cho biết: Với phương châm “Thấu hiểu, kết nối, sẻ chia và lan tỏa yêu thương”, Hội Bảo trợ tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác thiện nguyện. Đặc biệt là chăm lo, bảo trợ cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Qua đây, tạo điều kiện giúp họ vượt khó vươn lên, hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng. Nhờ có sự quyết tâm của tập thể Ban Chấp hành tỉnh Hội, trong quý I năm 2024, Hội đã vận động hỗ trợ cho 68.662 lượt đối tượng người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, với tổng giá trị quy thành tiền hơn 9 tỷ đồng, vượt hơn 363% chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Toàn tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 14.000 người khuyết tật, đa phần mắc các loại khuyết tật vận động, nghe, nói, nhìn, thần kinh, trí tuệ. Họ sống trong cộng đồng, chủ yếu dựa vào sự trợ giúp của gia đình, họ hàng, xã hội. Phát huy vai trò “cầu nối”, Hội Bảo trợ tỉnh phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương huy động nguồn lực từ nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm tạo điều kiện để người khuyết tật được hòa nhập cuộc sống và góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Bà Trần Ngọc Trang, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Trà Vinh cho biết: Để trở thành “Điểm tựa” và là “Cầu nối”, tạo điều kiện thuận lợi để người yếu thế tham gia lao động, học tập và các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng, trong thời gian tới, Ban Chấp hành tỉnh Hội tiếp tục chỉ đạo Hội cơ sở vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh bảo trợ cho người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, trẻ em và bệnh nhân nghèo. Đồng thời, triển khai các hoạt động Hội gắn với nhiệm vụ Nhà nước giao năm 2024 với các chương trình thiết thực. Hội phát huy mạnh mẽ tinh thần “Tương thân tương ái” để chung tay góp sức cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Trà Vinh thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Chung tay chăm lo cho người khuyết tật, trẻ mồ côi là nghĩa cử đẹp, thể hiện trách nhiệm, sự sẻ chia của cộng đồng. Đây chính là động lực giúp họ vơi đi mặc cảm, tự tin vươn lên trở thành những tấm gương sống đầy nghị lực và có ích cho xã hội.

 

Minh Thùy

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image