Tình hình triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu các đề tài, dự án khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 - 2023 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Lượt xem: 104

TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

- Trong giai đoạn 2021 - 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện 70 đề tài, dự án (62 đề tài, dự án cấp tỉnh và 08 đề tài cấp cơ sở), trong đó có 32 đề tài, dự án đã được nghiệm thu (27 đề tài, dự án cấp tỉnh và 5 đề tài cấp cơ sở) và đã chuyển giao kết quả nghiên cứu 23 Chuyển

đề tài, dự án đến đơn vị tiếp nhận (trong đó 15 đề tài được ứng dụng vào thực tế, 08 đề tài mới chuyển giao chưa được ứng dụng) và 02 đề tài đang hoàn chỉnh thủ tục chuyển giao cho các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan để đưa vào ứng dụng trong công tác chăm sóc sức khỏe, quản lý, sản xuất, kinh doanh và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thẩm quyền quản lý được giao. 

TÌNH HÌNH CHUYỂN GIAO KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI, DỰ ÁN GIAI ĐOẠN 2021-2023

Trong giai đoạn từ năm 2021 - 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã chuyển giao 23 kết quả sau nghiên cứu của các đề tài, dự án cho các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan để đưa vào ứng dụng, Trong đó: lĩnh vực khoa học nông nghiệp gồm 11 đề tài, dự án; lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ: 5 đề tài, dự án; lĩnh vực khoa học y dược: 2 đề tài; lĩnh vực khoa học xã hội: 5 đề tài. Các đơn vị nhận chuyển giao bao gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trường Đại học Trà Vinh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống, Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố. Trong tổng số được chuyển giao, có 15 đề tài, dự án được ứng dụng vào sản xuất và ban hành chính sách (Phụ lục 2) và 8 kết quả nghiên cứu được chuyển giao nhưng chưa được ứng dụng (Phụ lục 3).

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG, NHÂN RỘNG KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI, DỰ ÁN GIAI ĐOẠN NĂM 2021 - 2023

  Lĩnh vực khoa học nông nghiệp

Có 05 đề tài, dự án được chuyển giao ứng dụng kết quả. Các kết quả đã được các cơ quan tiếp nhận tổ chức triển khai ứng dụng và đạt kết quả tích cực. Đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai ứng dụng các kết quả của đề tài đã tạo cơ sở để Ngành Nông nghiệp xây dựng kế hoạch thực hiện và ứng dụng vào thực tế sản xuất tại tỉnh để giúp cho nông dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế vùng, kinh tế nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu và hạn chế ô nhiễm môi trường, kết quả của đề tài đã tạo cơ sở lý thuyết về khoa học thực tiễn phục vụ công tác chuyển giao khoa học, kỹ thuật mới cho nông dân trong tỉnh. Tổ chức xây dựng một số mô hình trình diễn để ứng dụng và nhân rộng kết quả của một số đề tài. Tham mưu xây dựng ban hành một số quy trình kỹ thuật trên các loại cây trồng, vật nuôi và động vật thủy sản. Cụ thể như:

- Dự án: “Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi dê lai (Boer x Bách Thảo) tại tỉnh Trà Vinh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức chuyển giao khoa học, kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn và tư vấn kỹ thuật tại huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Trên địa bàn huyện Duyên Hải các hộ tham gia mô hình tiếp tục triển khai nuôi dưỡng từ 10 hộ (100 con) tăng lên 250 con. Trên địa bàn huyện Cầu Ngang đã có nhiều hộ tham gia nuôi (từ 9 hộ với mỗi hộ từ 20-50 con, đến nay đã tăng lên 26 hộ với 650 con), mỗi năm thu nhập bình quân từ chăn nuôi dê mang lại trên 50 triệu đồng/hộ.

- Đề tài: Phục tráng và bảo tồn giống đậu phộng vồ (Arachis hypogaea) có năng suất cao tại tỉnh Trà Vinh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất đưa giống đậu Vồ vào bảo tồn nguồn gen các giống đặc thù của tỉnh; đồng thời, ứng dụng quy trình phục tráng giống để phục tráng các giống đậu đang sản xuất thương mại trên địa bàn tỉnh.

- Đề tài: “Cải thiện khả năng sinh sản của bò lai hướng thịt tại tỉnh Trà Vinh: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chuyển giao khoa học, kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật tại huyện Duyên Hải, Trà Cú, Cầu Ngang. Bên cạnh đó, Sở ứng dụng quy trình trên lồng ghép sự tài trợ của Tổ chức Samaritan’s Purse đã chuyển giao 230 bò cái sinh sản cho các hộ dân người dân tộc Khmer dễ bị tổn thương để hỗ trợ sinh kế để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

Có 03 đề tài, dự án được chuyển giao ứng dụng kết quả. Các kết quả đã được các cơ quan tiếp nhận tổ chức triển khai ứng dụng giúp cải thiện và tăng năng suất lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cụ thể như:

- Đề tài: “Xây dựng quy trình xử lý nước thải và chất thải từ ao nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh bằng phương pháp sinh học tại tỉnh Trà Vinh

 Kết quả nghiên cứu được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ứng dụng, bước đầu đạt được những kết quả tích cực góp phần xử lý nước từ ao nuôi thẻ chân trắng siêu thâm canh bằng phương pháp sinh học (thông qua bộ lọc sinh học biofilter) góp phần tăng oxy hòa tan lên 70%. Hiện nay, toàn tỉnh có 8.200 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, phần lớn nuôi theo hình thức thâm canh, thâm canh mật độ cao nên tỷ lệ chất thải rắn với tích tụ trầm tích cao, tỷ lệ nước thải, hóa chất thải rất cao, gây ô nhiễm môi trường, nhất là lượng nước thải được thay đổi thường xuyên. Vì vậy, ứng dụng kết quả đề tài này để cải thiện quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2-3 giai đoạn, qua khảo sát đánh giá thực tế tại vùng nuôi tôm, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi tôm.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham khảo kết quả đề tài trong quá trình thực hiện dự án “Đánh giá hiện trạng và đề xuất quy trình kiểm soát ô nhiễm môi trường tại mô hình nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh”.

- Đề tài: “Thiết kế chế tạo thiết bị xác định tỉ lệ sáp trong trái dừa. Từ kết quả nghiên cứu, Trường Đại học Trà Vinh đã tiếp tục nghiên cứu phát triển hoàn thiện sản phẩm, đặt mục tiêu là cho kết quả nhận dạng đạt 100% phân loại dừa sáp và không sáp, đạt 90% khi phân loại sáp loại 1 và loại 2. Đã tiến hành mua thêm một số cảm biến và cải tiến một số thuật toán học máy, mua thêm các mẫu dừa sáp để thực nghiệm; đồng thời phối hợp với một số chuyên gia từ Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh để tư vấn và hỗ trợ giải quyết vấn đề nhiễu môi trường và tăng độ chính xác khi phân loại. Kết quả: Mặc dù đã có một số cá nhân liên hệ tìm hiểu và đặt hàng nhưng do giải pháp thiết bị còn cồng kềnh và độ chính xác chưa đạt 100%, còn phụ thuộc nhiễu nên Trường Đại học Trà Vinh chưa thể chuyển giao. Hiện tại vẫn đang được dùng để làm bản mẫu thực nghiệm nhằm cải tiến giải pháp.

Lĩnh vực khoa học y dược

Có 02 đề tài, dự án được chuyển giao ứng dụng kết quả. Các kết quả đã được các cơ quan tiếp nhận tổ chức triển khai ứng dụng, làm cơ sở xây dựng, hoạch định các chính sách can thiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động cho lĩnh vực y tế, cụ thể như:

- Đề tài: Khảo sát tỷ lệ chi tiền túi cho chăm sóc y tế của hộ gia đình ở tỉnh Trà Vinh năm 2019 - 2020”: Trên cơ sở kêt quả đề tài, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham khảo, nghiên cứu và tổ chức ứng dụng kết quả: tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND ngày 09/11/2020, quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025.  Kết quả: Từ khi Nghị quyết ban hành đến nay, toàn tỉnh đã in 376.893 thẻ bảo hiểm y tế cấp cho các đối tượng là người thuộc hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên và người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình, với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 160,6 tỷ đồng. Qua kết quả triển khai thực hiện, đã khẳng định bảo hiểm y tế là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và là một trong những chính sách trụ cột trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của nước ta. Thực tiễn thực hiện chính sách bảo hiểm y tế thời gian qua cho thấy, nhờ tham gia bảo hiểm y tế, nhiều người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đã được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám chữa bệnh, nhờ đó, nhiều gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đã không bị tái nghèo do thời gian được hỗ trợ bảo hiểm y tế không phải chi trả các khoản chi phí khám chữa bệnh.

- Đề tài: “Nghiên cứu chỉ số BMI trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2019 - 2020”. Từ kết quả nghiên cứu của đề tài Trung tâm kiểm soát bệnh tật đã tuyên truyền phổ biến đến các đơn vị Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố ứng dụng làm nguồn tài liệu tham khảo cho các đề tài cấp cơ sơ tại đơn vị. Tuyên truyền chế độ, khẩu phần ăn dinh dưỡng hợp lý cho người dân trong độ tuổi lao động.

Lĩnh vực khoa học xã hội

Có 05 đề tài, dự án được chuyển giao ứng dụng kết quả. Các kết quả đã được các cơ quan tiếp nhận tổ chức triển khai ứng dụng mạnh mẽ, góp phần phát triển văn hoá xã hội của tỉnh, cụ thể như:

- Đề tài: “Giải pháp xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp kinh doanh giai đoạn 2020-2025

Trên cơ sở kế thừa đề tài, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã vận dụng và tổ chức chương trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp hàng năm, đạt một số kết quả nội bật như: Xây dựng và kết quả thực hiện các chính sách, kế hoạch, chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, tạo lập môi trường kinh doanh,..; Xây dựng hệ thống truyền thông khởi nghiệp: Tỉnh Trà Vinh đã xây dựng và đưa vào vận hành website khởi nghiệp tỉnh năm 2021 địa chỉ http://khoinghiep.travinh.gov.vn/ và hoàn thiện việc xây dựng Cơ sở dữ liệu khởi nghiệp cấp tỉnh (giai đoạn 1) để tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh phục vụ việc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu doanh nghiệp khởi nghiệp và  áp dụng các phương thức truyền thông khác như: Lồng ghép phát sóng các hoạt động, sự kiện khởi nghiệp lớn trên sóng Đài phát thanh và Truyền hình Trà Vinh; tổ chức cuộc giao lưu tại các trường THPT, tổ chức chương trình talkshow “Hành trang khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên hướng tới nền công nghiệp 4.0”, cuộc thi Hệ sinh thái tỉnh Trà Vinh trong 03 năm qua đã có những chuyển biến tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến các thông tin, kiến thức về Hệ sinh thái khởi nghiệp đến các cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính quyền và đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã đạt hiệu quả và tạo sự lan tỏa. Các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp trong tỉnh phối hợp chặt chẽ hỗ trợ, nâng cao năng lực, tổ chức các sự kiện/hội thảo cung cấp kiến thức, xây dựng tài liệu phục vụ công tác thực hiện mục tiêu đề án. Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Trà Vinh còn tồn tại những hạn chế như: Công tác thu hút vốn đầu tư, hình thành Quỹ đầu tư sáng tạo trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Trà Vinh là một trong số ít các tỉnh dành nhiều nguồn lực hỗ trợ khối tư nhân và các doanh nghiệp/nhóm khởi nghiệp đặc biệt là nguồn lực từ các dự án phát triển như Dự án SME. Tuy nhiên phần lớn các hoạt động hỗ trợ tập trung vào đào tạo nâng cao năng lực, còn ít hoạt động ở khâu nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới,…

-  Đề tài: “Nghiên cứu giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2025

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ứng dụng các giải pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhất là đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực/OCOP của tỉnh. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp luôn quan tâm giải pháp “đơn giản hóa các quy trình thủ tục hành chính” để các tổ chức/cá nhân dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Ngành, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Ngoài ra, trên cơ sở phân tích kết quả PCI năm 2022 do VCCI Việt Nam công bố và xem xét các đề xuất giải pháp từ đề tài, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng hoàn thành và được UBND tỉnh thống nhất ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 27/6/2023 về việc khắc phục hạn chế và nâng cao PCI tỉnh Trà Vinh năm 2023 và các năm tiếp theo. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu năm 2023, PCI tỉnh Trà Vinh trên 66 điểm và thứ hạng tăng ít nhất 01 hạng so với năm 2022 (đạt từ thứ hạng 25/63 tỉnh, thành phố trở lên). Tuy nhiên do Đề tài mới nhận chuyển giao, công tác cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh nói riêng hiện nay tỉnh đang thực hiện và nội dung này được thực hiện theo lộ trình dài, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phù hợp các giải pháp trong thời gian tới.

Nguồn: Báo cáo số:40 /BC-SKHCN ngày 31/1/2024 của Sở Khoa học và Công nghệ