Phân vùng sinh thái sản xuất ở thị xã Duyên Hải
Lượt xem: 4476
Trong xu thế phát triển chung, hướng phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường và hệ sinh thái đang được quan tâm đặc biệt. Với mục tiêu nâng cao chất lượng ngành hàng Nông - Lâm - Thủy sản; Thị xã Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) cần được quy hoạch phát triển vùng canh tác và nuôi trồng hợp lý, đẩy mạnh phát triển các đối tượng kinh tế, mô hình kinh tế hiệu quả cao nhằm khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Các phân vùng sinh thái nông nghiệp thị xã Duyên Hải

Thị xã Duyên Hải có 17.709,64 ha diện tích tự nhiên, 56.241 người và 07 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 02 phường: Phường 1, Phường 2 và 05 xã: Dân Thành, Hiệp Thạnh, Long Hữu, Long Toàn, Trường Long Hòa (Nghị quyết số 934/NQ-UBTVQH13). Do các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội chung, ngành Nông nghiệp - Thủy sản của Thị xã Duyên Hải vẫn sẽ đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Thị xã trong ít nhất 10 năm tới. Sự phát triển bền vững của một vùng có rất nhiều tiêu chí; Trong đó có các tiêu chí về bảo vệ tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái là các tiêu chí then chốt đảm bảo cho sự phát triển ổn định và bền vững trên phương diện tổng thể. Nhằm cung cấp các dữ liệu khoa học sinh thái hỗ trợ cho các định hướng phát triển bền vững thị xã Duyên Hải, đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học sinh thái để phát triển nông nghiệp bền vững thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh” được thực hiện và đã nghiệm thu trong ngày 14/3/2019. Kết quả đã xác định các phân vùng sinh thái sản xuất ở thị xã Duyên Hải như trình bày ở phần dưới đây.


 1. Phân vùng theo hiện trạng canh tác sản xuất 
Các hệ thống sông và kênh rạch là chính có sự tác động lớn đến đặc điểm sinh thái, môi trường của các tiểu vùng sinh thái gồm các dòng sông Thâu Râu, sông Ba Động, sông Long Toàn, kênh Tắt. Ngoài ra, mạng lưới sông, rạch, kênh thủy lợi phân phối nguồn nước đến sâu trong nội đồng và các khu vực nuôi trồng thủy sản (NTTS) cũng là những yếu tố tạo nên sự đa dạng các phân vùng sinh thái ở thị xã Duyên Hải - Trà Vinh. Trên cơ sở phân tích không ảnh, điều tra hiện trạng canh tác, kết hợp với các yếu tố điều kiện đất đai, thủy văn, và tính tới đặc trưng về định hướng sản xuất nông nghiệp và các yếu tố phát triển nông nghiệp bền vững; Thị xã Duyên Hải được phân thành 6 phân vùng sinh thái chính: 1. Phân vùng canh tác hoa màu trên đất cát giồng; 2. Phân vùng canh tác hoa màu trên đất phèn; 3. Phân vùng nuôi trồng thủy sản trên đất mặn quanh năm; 4. Phân vùng nuôi trồng thủy sản mặn 6 tháng; 5. Phân vùng đất rừng; 6. Phân vùng đất nông nghiệp khác. Trong đó, diện tích các phân vùng theo phường, xã được thể hiện sau đây. (Hình 1, Bảng 1)

Bảng 1. Diện tích các phân vùng sinh thái nông nghiệp



Kết quả nghiên cứu cũng đã phân định được 17 tiểu vùng sinh thái thuộc 6 tiểu vùng sinh thái chính, với sự phân bố đan xen và rải rác ở các địa phương như sau:
1. Tiểu vùng trồng hoa màu trên đất giồng cát mặn quanh năm.
2. Tiểu vùng trồng hoa màu trên đất mặn nhiều mặn quanh năm.
3. Tiểu vùng trồng hoa màu trên đất sú, vẹt, đước mặn quanh năm.
4. Tiểu vùng trồng hoa màu trên đất phèn tiềm tàng nông dưới rừng ngập mặn mặn quanh năm.
5. Tiểu vùng trồng hoa màu trên đất phèn tiềm tàng sâu dưới rừng ngập mặn mặn quanh năm.
6. Tiểu vùng trồng hoa màu trên đất cát giồng mặn 6 tháng.
7. Tiểu vùng trồng hoa màu trên đất mặn nhiều mặn 6 tháng.
8. Tiểu vùng trồng hoa màu trên đất phèn tiềm tàng nông dưới rừng ngập mặn mặn 6 tháng.
9. Tiểu vùng trồng hoa màu trên đất phèn tiềm tàng sâu dưới rừng ngập mặn mặn 6 tháng.
10. Tiểu vùng NTTS trên đất mặn nhiều mặn 6 tháng.
11. Tiểu vùng NTTS trên đất sú vẹt đước mặn 6 tháng.
12. Tiểu vùng NTTS trên đất phèn tiềm tàng nông dưới rừng ngập mặn mặn 6 tháng.
13. Tiểu vùng NTTS trên đất phèn tiềm tàng sâu dưới rừng ngập mặn mặn 6 tháng.
14. Tiểu vùng NTTS trên đất mặn nhiều mặn quanh năm.
15. Tiểu vùng NTTS trên đất mặn sú vẹt đước mặn quanh năm
16. Tiểu vùng NTTS trên đất phèn tiềm tàng nông dưới rừng ngập mặn mặn quanh năm.
17. Tiểu vùng trên đất phèn tiềm tàng sâu dưới rừng ngập mặn mặn quanh năm.
2. Phân vùng theo địa lý tự nhiên và chức năng sinh thái
2.1. Phân vùng theo đặc tính thủy văn, độ mặn
Thị xã Duyên Hải chịu tác động mạnh của chế độ triều biển Đông thông qua sông Hậu và sông Cổ Chiên. Đây là chế độ bán nhật triều không đều, ngày có 2 lần triều lên và 2 lần triều xuống, mỗi tháng có 2 kỳ triều cường ngày (1 và 15 âm lịch) và 2 lần triều kém (ngày 7 và 23 âm lịch). Thông qua sông Thâu Râu, sông Ba Động, sông Long Toàn, kênh Tắt chi phối toàn bộ hệ thống sông rạch trên địa bàn các xã. Đây là các sông chính chảy theo hướng từ Đông - Tây phân bố nguồn nước trên toàn thị xã. Ngoài ra còn có mạng lưới sông, rạch, kênh thủy lợi phân phối nguồn nước đến sâu trong nội đồng và các khu vực nuôi trồng thủy sản. Trên cơ sở nền độ mặn, vùng sinh thái tự nhiên, thị xã Duyên Hải được chia làm 2 vùng chính là vùng mặn 6 tháng và vùng mặn quanh năm. Các phân vùng cụ thể được thể hiện ở Bảng 2.


Mặc dù là ven biển, các vùng sinh thái của thị xã Duyên Hải chịu tác động mạnh của hệ thống sông Tiền và sông Hậu thông qua hai cửa sông là cửa Cổ Chiên và cửa Định An. Vào mùa mưa, lượng nước ngọt từ thượng nguồn đổ về đã làm giảm độ mặn đáng kể ở các hệ thủy vực nội địa của thị xã. Vào mùa khô, độ mặn có tăng lên đáng kể và có sự đồng nhất độ mặn hơn trên toàn vùng.
2.2. Phân vùng theo loại đất
Trên cơ sở dữ liệu điều tra phân loại đất tỉnh Trà Vinh của Sở Tài nguyên và Môi trường (2017), đã tiến hành số hóa phân nhóm đất và tách theo ranh giới hành chính của thị xã Duyên Hải. Các nhóm đất chính của thị xã Duyên Hải được chia như sau. (Bảng 3)
Đất cát giồng:
Phân bố trên các giồng, động cát hình cánh cung, cao trình phổ biến 1,2 - 2m. Đây là nhóm đất cát nghèo dinh dưỡng, hạn chế về nước tưới trong mùa khô, tuy nhiên khá thích hợp cho hoa màu trồng cạn và cây lâu năm.
Nhóm đất mặn:
Đất mặn nhiều: Phân bố có cao trình phổ biến từ 0,2 - 0,8 m, độ sâu ngập <0,4m, đất không phèn. Với mức độ nhiễm mặn kết hợp với tính chất thủy văn của vùng tạo điều kiện thuận lợi cho việc NTTS.
Đất mặn sú vẹt đước: Phân bố ở cao trình 0,6 - 0,8 m, ngập triều biển hàng ngày hoặc lúc triều cường trong tháng với độ ngập sâu tối đa 0,4 - 1,0m. Đây là loại đất không phèn, dinh dưỡng khá nhất là lân nhưng hiện nay quá trình nhiễm mặn khống chế hoàn toàn, kết hợp với vị trí gần vùng ven biển với đặc điểm thủy văn của vùng tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản.
Nhóm đất phèn:
Đất phèn tiềm tàng dưới rừng ngập mặn: phân bố ở cao trình từ 0,6 - 0,8 m. Hình thành từ dạng trầm tích đầm mặn mới, bị ngập triều lên xuống hàng ngày hoặc triều cường trong tháng. Đất bị nhiễm mặn nặng và thường xuyên. Do tỷ lệ đất có tầng sinh phèn ở 50cm tầng mặt khá lớn, nên độc chất tiềm tàng của đất khá cao nếu bị oxy hóa. Hiện nay do vị trí ven biển với đặc điểm đất và thủy văn của vùng tạo điều kiện khá thuận lợi cho việc trồng rừng ngập mặn và nuôi trồng thủy sản.



Dựa vào bản đồ phân bố các loại đất trên thị xã Duyên Hải, đã tính được diện tích thành phần các loại đất. Trong đó, diện tích đất phèn tiềm tàng nông dưới rừng ngập mặn chiếm diện tích lớn nhất 8.412,06 ha, tiếp đến là đất mặn nhiều 3.566,47 ha, tiếp theo là đất cát giồng 2.471,71 ha và đất mặn sú vẹt đước 2.068,63 ha. Loại đất chiếm diện tích thấp nhất là đất phèn tiềm tàng sâu dưới rừng ngập mặn với 1.117,54 ha. Tỷ lệ đất phèn chiếm thành phần lớn đã ảnh hưởng đến các loại hình sử dụng đất tại thị xã Duyên Hải.