Bệnh đốm đen trên đậu phộng và biện pháp quản lý
Lượt xem: 26159
Nguyễn Thị Thu Nga, Trần Vũ Phến, Dương Minh Bộ môn Bảo vệ Thực Vật, Đại học Cần Thơ 1. GIỚI THIỆU Đậu phộng là cây hàng niên, có thể trồng được quanh năm ở vùng khí hậu nhiệt đới. Ở nước ta, cây đậu phộng được trồng ở nhiều vùng đồng bằng khắp cả nước. Theo thống kê của FAO (2008) diện tích trồng đậu phộng ở nước ta là 256.000 ha, với năng suất trong khoảng 1,8 -2,1 tấn/ha. Ở ĐBSCL, đậu phộng được trồng nhiều ở các vùng giồng cát, tập trung diện tích lớn nhất là tại tỉnh Trà Vinh. Theo thống kê Chi cục BVTV tỉnh Trà Vinh 2016, tổng diện tích trồng đậu phộng là 4518,4 ha phân bố chủ lực ở huyện Cầu Ngang với diện tích 3498 ha, diện tích còn lại trồng răi rác các huyện như huyện Duyên Hải, Châu Thành, Trà Cú, Thị xă Duyên hải, Cầu kè, Càng Long. Đậu phộng được trồng vụ chính vào vụ Đông Xuân trên cả đất ruộng và cát giồng. Vụ Hè thu, và Thu đông được trồng diện tích ít hơn chủ lực trên đất giồng cát. Trong canh tác cây đậu phộng hiện nay, mối quan ngại nhất của nông dân bên cạnh kỹ thuật canh tác sao cho đậu phông đạt năng suất cao thì làm sao quản lý được sâu bệnh trên cây đậu phộng mang lại hiệu quả và an toàn. Một số loại sâu và bệnh hại thường xuyên xuất hiện và gây hại trên cây đậu phộng chẳng hạn nhóm sâu hại  gồm sâu  ăn tạp, sâu xếp lá, rầy xanh, bọ trĩ và nhện, sùng đục củ; nhóm bệnh hại như bệnh chết mầm và chết cây con do nấm Asperillus spp., chết cây con do nấm Rhizoctonia solani,  bệnh đốm lá sớm do nấm Cercospora arachidicola vàbệnh đốm lámuộn do nấm Cercospora personata,bệnh rỉ sắt do Puccinia arachidis (Vũ Triệu Mân, 2007) v.v đặc biệt bệnh đốm đen vỏ củ/trái đậu phộng do tuyến trùng Pratylenchus spp. là tác nhân gây thiệt hại quan trọng và giảm giá trị kính tế của cây đậu phộng rất nhiều vào giai đoạn thu hoạch (Agrios, 2005). Đây là bệnh hại mà nông dân rất quan ngại vì chưa hiểu rõ tác nhân nên việc quản lý bệnh hại  chưa mang lại hiệu quả cao. Vì vậy tìm hiểu về tác nhân gây hại, đặc điểm sinh học,quy luật phát sinh và phát triển của mầm bệnhvà biện pháp phòng trừ  hiệu quả là vấn đề cấp thiết, góp phần bảo vệ năng suất cây đậu phộng và cải thiện thu nhập của nông dân trồng đậu phộng.


2. BỆNH ĐỐM ĐEN TRÊN TRÁI ĐẬU PHỘNG
2.2.1Triệu chứng
Bệnh xuất hiện các đốm đen trên rễ và vỏ của trái(củ) đậu phộng
Trên rễ bị bệnh xuất hiện các vết hoại tử màu đen, vết hoại tử lớn dần và gây thối rễ (Hình 1) . Khi cây bị nhiễm nặng, vết bệnh to và tập trung chủ yếu ở rễ chính, những vết bệnh lan rộng và liên kết với nhau đến khi xâm nhiễm toàn bộ hệ thống rễ cây,  làm hạn chế  sự vận chuyển dinh dưỡng nuôi trái dẫn đến cây có nhiễm bệnh có triệu chứng còi cọc, giảm năng suất. Bên cạnh đótạo cửa ngõ cho  các mầm bệnh thứ cấp như nấm Fusarium  hay vi khuẩn Ralstonia soslanacearum gây bệnh héo xanh xâm nhiễm (Agrios, 2005).
Trên trái (củ) đậu phộng: triệu chứng là những đốm đen trên vỏ củ, ban đầu vết bệnh nhỏ như chấm đầu kim, vết hoại tử lớn dần và tạo nhiều vết đen  phủ đều trên vỏ củ. Tuyến trùng chủ yếu  kí sinh  phần vỏ, gây giảm giá trị thương phẩm của củ đậu phộng (Hình 2)
2.2.2 Tác nhân
 Bệnh đốm đen trên rễ và vỏ củ đậu phộng được xác định là do tuyến Pratylenchusspp. tại Hoa Kỳ  bởi Steiner 1945 (Plantwise- CABI, Agrios, 2005) và hai loài được ghi nhận là  P. brachyurus và P. coffeae.


 Hình 3: Hình thái tuyến trùng Pratylenchus sp. dưới kính hiển vi

 Phổ kí chủ:Phổ kí chủ của tuyến trùng Pratylenchus rất rộng hơn 400 loài thực vật (Davis and MacGuidwin, 2000).
 Sự phân bố:Bệnh được ghi nhận rộng khắp các vùng trồng đậu phộng trên thế giới


Hình 4: Bản đồ phân bố của tuyến trùng Pratylenchus sp. (Plantwise- CABI, 2019)

 Đặc điểm sinh học 
Pratylenchus spp. là tuyến trùng nội kí sinh và di cư. Vòng đời của tuyến trùng có 6 giai đoạn gồm trứng, 4 giai đoạn ấu trùng (tuổi 1 đến tuổi 4) và thành trùng. Vòng đời tuyến trùng trong khoảng 4-8 tuần thay đổi tùy điều kiện môi trường  như nhiệt độ và ẩm độ.  Sau khi phôi phát triển và hình thành ấu trùng tuổi 1 nằm trong trứng, tuyến trùng vũ hóa thành ấu trùng tuổi 2 và nở ra từ trứng. Tất cả giai đoạn ấu trùng và thành trùng  đều có hình kim và di động và đều có khả năng xâm nhiễm thực vật ngoại trừ trứng và ấu trùng tuổi 1. Con đực trưởng thành thường xuất hiện trên nhiều loài và cũng hiếm trên một số loài, vì vậy tuyến trùng Pratylenchusđược cho là có hai cách sinh sản gồm hữu tính và vô tính hay trinh sản (tuyến trùng cái không cần bắt cặp với con đực có thể sinh sản). Phần lớn tuyến trùng Pratylenchus spp. tấn công các bộ phận thực vật dưới đất như củ, rễ, trái và không thường tấn công các phần trên mặt đất (Nguyễn Ngọc Châu, 2003; Davis and MacGuidwin, 2000).
Chu trình gây bệnh của tuyến trùng Pratylenchus sp. (Hình 5 và 6)

Tuyến trùng Pratylenchus sp. thuộc nhóm nội  kí sinh và di chuyển, tuyến trùng  tuổi 2 đến trưởng thành đều  tấn công mô rễ và có thể di chuyển ra khỏi rễ để tấn công vị trí khác (Hình 5a). Chúng tấn công lớp vỏ ngoài rễ và cả nội bào và gian bào của rễ, một khi vào bên trong  chúng có thể di chuyển nội bào của rễ (Hình 5b). Tuyến trùng khi chích hút chỉ tạo vết hoại tử trên mô, không kích thích biến đổi tế bào thực vật như tuyến trùng bướu rễ. Tuyến trùng Pratylenchus sp. các giai đoạn (ngoại trừ trứng và tuổi 1) đều tấn công mô rễ, cuống và vỏ trái, chúng có thể  di chuyển vào trong  hoặc ngoài rễ vào trong đất và hoàn thành chu trình sống (từ trứng đến trứng) có thể ở cả hai môi trường đất và rễ hoặc có thể hoàn toàn chỉ trong rễ (Hình 5c). Tuyến trùng có thể nhân mật số trong rễ lên đến 1000-3000 con/ g rễ (Hình 5d).


Hình 5: Sự tấn công và gây hại của tuyến trùng Pratylenchus trên rễ và mô thực vật trong đất

a. Tuyến trùng dùng kim chích để tạo vết thương và xâm nhiễm vào bên trong tế bào
b. Kí sinh nội sinh  bên trong  và chúng có thể di chuyển nội bào của rễ
c. Tuyến trùng có thể thành chu trình sống (từ trứng đến trứng)  trong rễ
d. Tuyến trùng có thể nhân mật số trong rễ lên đến 1000-3000 con/ g rễ .

Lưu tồn: Tuyến trùng Pratylenchus  có thể  ngủ nghĩ  trong mô thực vật nhiễm bệnh hoặc trong đất ở tất cả các giai đoạn, mặc dù tuổi 4 được  xem là tuổi lưu tồn tốt nhất. Theo Castillo và Vovlas(2007), loài Pratylenchus có lớp biểu bì tương đối dày và do chúng sống trong mô thực vật nên khó bị phân hủy  Ngoài ra, tuyến trùng có thể lưu tồn ở giai đoạn trứng vì trứng tuyến trùng được bao phủ bởi ba lớp: Lớp vitelline bên ngoài được tiết ra bởi thành tử cung; giữa là một màng chitin; và một lớp vitelline hoặc lipid màng. Vỏ cho phép trứng chống lại sự khô hạn trong thời gian dài, màng chitin cung cấp độ bền kết cấu, tính không thấm cho hầu hết các chất trừ khí và bảo vệ màng lipid bên dưới (Castillo and Vovlas, 2007).
Cách lây lan hay phương diện dịch tễ: Khi ở trong đất tuyến trùng Pratylenchuskhông di chuyển hơn 1-2 mét và thường tập trung nhiều vùng đất trũng, thoát nước không tốt. Tuyến trùng có thể di chuyển cho cây/ củ/ hạt giống ở khoảng  cách xa. Sự phát tán của tuyến trùng trong ruộng  thường gia tăng  bởi biện pháp canh tác  của người trồng: không luân canh, sử dụng giống nhiễm bệnh, sử dụng nông cụ mang mầm bệnh (cuốc, máy xới đất).


3. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ

Chiến lược quản lý để giảm thiệt hại của tuyến trùng Pratylenchuscần dựa vào biện pháp quản lý tổng hợp: cần phân tích quy luật phát sinh và phát triển của mầm bệnh, ứng dụng các kết quả nghiên cứu về biện pháp canh tác, sinh học một cách hợp lý để  mầm bệnh  không thuận lợi phát triển và phát tán, và áp dụng biện pháp hóa học tuân thủ theo quy tắc 4 đúng.

Biện pháp canh tác

+ Biện pháp luân canh không mang lại hiệu quả cao vì Pratylenchus là loài đa kí chủ  bao gồm  cây một và hai lá mầm. Luân canh với cây lúa có khả năng làm giảm sự gây hại môt phần của tuyến trùng Pratylenchus, tuy nhiên không giết chết mầm bệnh hoàn toàn vì tuyến trùng có khả năng lưu tồn nhiều năm dưới dạng trứng khi không có cây kí chủ hay khô hạn (Castillo and Vovlas, 2007).

+Hiện nay chiến lược mang lại hiệu quả nhất trong quản lý tuyến trùng là vệ sinh đồng ruộng,  áp dụng kỹ thuật canh tác tốt, xử lý giống và áp dụng biện pháp sinh học trong phòng ngừa và có thể can thiệp thuốc trừ tuyến trùng  khi cần thiết

Biện pháp sinh học

Việc áp dụng nấm kí sinh và đối kháng Purpureocillium lilacinum  (Paecilomyces lilacinus) Trichoderma harzianummang lại hiệu quả phòng trừ tuyến trùng Pratylenchus trên cây đậu nành ở điều kiện nhà lưới và ngoài đồng. Cả hai loại nấm  đều thể hiện hiệu quả  phòng trừ tuyến trùng khi áp dụng đơn lẽ hay phối hợp hữu cơ mang lại hiệu quả phòng trừ tốt hơn (Dias Arieira et al., 2018). Trichoderma spp. được ghi nhận là nấm đối kháng với nhiều loại mầm bệnh trong đất như nấm Fusarium spp., nấm Rhizoctonia,Phytophthora spp v.v và cả đối kháng với tuyến trùng. Theo nghiên cứu Phan Thị Mỹ Phúc (2014) nấm Trichoderma có khả năng giảm sự gây hại của tuyến trùng Meloidogyne trên cây cà chua thông qua cơ chế phân hủy vách trứng tuyến trùng. Hiện nay thị trường Việt Nam cũng có chế phẩm từ nấm P. lilacinus và Trichoderma   đăng ký phòng phòng tuyến trùng.

+ Bên cạnh nấm kí sinh và đối kháng thìnhóm vi khuẩn vùng rễ thuộc chi  Bacillus spp.  được ghi nhận có khả năng ức chế sự phát triển tuyến trùng Pratylenchus (Castillo et al., 2017). Theo nghiên cứu của Lê Minh Ngân (2018) đã áp dụng vi khuẩn Bacillus bằng cách tưới vào đất có khả năng giảm mật sốtuyến trùng Pratylenchus sp. gây hại trên đậu phộng trong điều kiện nhà lưới.

+ Theo kết quả của đề tài nghiên cứu biện pháp phòng trị sinh học bệnh đốm đen trên đậu phộng tại tỉnh Trà Vinh  trong giai đoạn 2017-2019 đơn vị Bộ môn Bảo vệ Thực Vật, Đại học Cần Thơ ghi nhận việc phối hợp sử dụng vi khuẩn Bacillus và nấm đối kháng Trichoderma có khả năng hạn chế được nật số tuyến trùng Pratylenchus sp. Biện pháp áp dụng: chế phẩm vi khuẩn Bacillus (với mật số  108cfu/g chế phẩm) được xử lý bằng cách áo hạt  và tưới đất định kỳ 20 ngày/lần đến giai đoạn 60 ngày (với liều lượng 40 lít/1000mvới mật số 108 cfu/ml.) phối hợp với nấm Trichoderma được xử lý tưới vào đất khi gieo (đất nên phủ lớp rơm mỏng cung cấp nguồn thức ăn cho  nấm) và giai đoạn 40 ngày sau khi gieo  với liều lượng 0,5 g chế phẩm/m2 .

+ Bên cạnh sử dụng vi sinh vật đối kháng, việc sử dụng bánh dầu neem cũng được ghi nhận mang lại hiệu quả giảm mật số tuyến trùng Pratylenchus (Jothi et al., 2004 )

Biện pháp hóa học

Tuyến trùng Pratylenchus thường lưu tồn trong đất hoặc vỏhạt đậu phộng. Tác nhân gây bệnh có thể  tuyến trùng hoặc trứng bám trên hạt giống khi gieo. Ngoài ra qua quá trình khảo sát mật số của tuyến trùng trong đất cho thấy giai đoạn 40 NSKG  bắt đấu xuất hiện và gia tăng mật số về sau rất nhanh. Vì vậy việc xử lý hạt giống và  phun thuốc xung quanh vùng rễ vào giai đoạn 40 ngày sau khi gieo và lần 2 vào giai đoạn 55-65  ngày sau khi gieo với hoạt chất thuốc trừ tuyến trùng có thể mang lại hiệu quả phòng trừ (Kết quả nghiên cứu chưa công bố).

Một số nghiên cứu về hiệu quả của thuốc hóa học đối với tuyến trùng Pratylenchus spp.: Theo nghiên cứu của Trương Thanh Thảo (2018) khi khảo sát khả năng giết chết tuyến trùng Pratylenchus sp. gây hại trên củ khoai mỡ của các loại thuốc hóa học với hoạt chất carbosulfan, Azadirachtin (từ cây neem) Benfuracard, chitosan, abamectin, Ethoprophos, Fipronil  trong điều kiện phòng thí nghiệm, kết quả cho thấy 5 loại hoạt chất có hiệu quả tiêu diệt tuyến trùng gồm Abamectin, Ethoprophos, Chitosan, Benfuracard, Azadirachtin. Trong đó,xét về độ hữu hiệu thì cũng chỉ có 2 hoạt chất có hiệu quả cao nhất là Abamectin, Ethoprophos khác biệt các nghiệm thức còn lại. Tuy nhiên, hoạt chất Abamectin là hoạt chất có độ độc thấp (LD50 qua miệng là 300mg/l)thấp hơn so với hoạt chất Ethoprophos (LD50 qua miệng là 61,5mg/kg), nên việc áp dụng hoạt chất Abamectin để phòng trị tuyến trùng mang tính an toàn môi sinh và sức khỏe con người hơn. Kết quả  ghi nhận tương tự theoSmileyet al.( 2012), việc xử lý Abamectin góp phần là suy giảm mật số của tuyến trùng Pratylenchus. Tương tự Lê Minh Ngân (2018) cũng ghi nhận khi xử lý hoạt chất abamectin vào đất mang lại hiệu  quả cao trong phòng trừ tuyến trùng Pratylenchus gây bệnh đốm đen trên đậu phộng trong điều kiện nhà lưới

LỜI CẢM TẠ

Chân thành cảm ơn chương  trình dự án AMD – Trà Vinh đã tài trợ cho đề tài nghiên cứu “Khảo sát và ứng dụng biện pháp sinh học phòng trừ bệnh đốm đen trên trái đậu phộng do tuyến trùng tại tỉnh Trà Vinh trong điều kiện biến đổi khí hậu

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Agrios, G. N., 2005. Plant diseases caused by nematodes. Plant pathology (Agios, G. N. (editors)), 15. Elsevier academic press: San diego, carlifornia. Pages: 838 – 842.

Castillo, J. D., J. M. Vivanco, and D. K. Manter. 2017. Bacterial Microbiome and Nematode Occurrence in Different Potato Agricultural Soils. Microb. Ecol. 74(4):888-900.

Davis, E.L. and A.E. MacGuidwin. 2000. Lesion nematode disease. The Plant Health Instructor. DOI: 10.1094/PHI-I-2000-1030-02.Updated 2005.

Dias –Arieira C. R., de Araujo F G. Kameko L., Santiago D. C. 2018. Biological control of Pratylenchusbrachyurus in soya bean crops. Journal of Phytopathology.166:722-728

FAO. Food Agriculrure Organization. 2018

Jothi, G., R. S. Babu, S. Ramakrishnan, and G. Rajendran. 2004. Management of root lesion nematode, Pratylenchusdelattrei in crossandra using oil cakes. Bioresour. Technol. 93(3):257-259.

Lê Minh Ngân,  2018. Tuyển chọn vi khuẩn Bacillus spp. hiệu quả Trong phòng trừ bệnh đốm đen trên trái đậu phộng do tuyến trùng Pratylenchussp. Luận văn đại học ngành Bảo vệ Thực vật . Đại học Cần Thơ.

Nguyễn Ngọc Châu, 2003. Tuyến Trùng Thực Vật Và Cơ Sở Phòng Trừ. Nhà xuất bản khoa học kỹ thuật. 302 trang.

Phan Thị Mỹ Phúc, 2014. Đánh giá khả năng tiết chitinase và phòng trị của các chủng nấm Trichoderma spp. đối với trứng tuyến trùng (Meloidogyne incognita, Chitwood) gây bướu rễ trên cây cà chua (Lycopersicum esculentum, Miller). Luận văn cao học ngành Bảo vệ Thực vật, khoa Nông nghiệp & Sinh học Ứng dụng, trường Đại học Cần Thơ.

Plantwise- CABI, 2019. World distribution of  Pratylenchus spp.

Smiley, R. W., Gourlie, J. A., Rhinhart, K. E., Marshall, J. M., Anderson, M. D., and Yan, G., 2012. Influence of nematicides and fungicides on spring wheat in fields infested with soilborne pathogens. Plant disease96(10), 1537-1547.

Số liệu thống kê Chi cục BVTV tỉnh Trà Vinh 2016. Cổng thông tin khuyến Nông Trà Vinh

Trương Thanh Thảo, 2018. Nghiên cứu biện pháp phòng trừ bệnh thối khô củ do tuyến trùng Pratylenchus sp. trên khoai mỡ (Dioscorea alata L.) tại huyện Mang Thít, tỉnh Vỉnh Long”. Luận văn Thạc sĩ ngành Bảo vệ Thực Vật. Đại học Cần Thơ