Mô hình sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ
Lượt xem: 42

* Quy mô: Thực hiện 40 ha, giống lúa ST 24, ST 25.

* Địa điểm: Xã Long Hòa, huyện Châu Thành. Hiện tại đã có công ty ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

* Yêu cầu kỹ thuật:

- Đất đai không nhiễm hóa chất độc hại và kim loại nặng, nguồn nước không ô nhiễm, không gần khu công nghiệp, bệnh viện, trường học.

  - Làm đất kỹ và san bằng mặt ruộng, giữ mặt nước trong giai đoạn đầu để khống chế cỏ dại. Kiểm soát ốc bươu vàng bằng cách thu gom ốc trước khi gieo sạ.

- Sử dụng cấp giống lúa xác nhận trở lên, lượng giống gieo sạ 90kg/ha, áp dụng phương pháp sạ hàng, sạ thưa hoặc cấy.

- Các giai đoạn bón phân: Bón lót, bón thúc lần 1, bón thúc lần 2, bón phân đón đòng chủ yếu là sử dụng phân hữu cơ theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất.

- Quản lý nước áp dụng theo quy trình ướt khô xen kẽ.

- Quản lý dịch hại: Bằng phương pháp tổng hợp IPM giúp cây lúa khỏe, bảo vệ thiên địch, thăm đồng thường xuyên, ...

- Ưu điểm của mô hình là tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đáp ứng thị trường xuất khẩu, tạo thương hiệu cho địa phương, tăng thu nhập cho nông hộ. Chỉ riêng đối với vùng Long Hòa do đã sản xuất lúa hữu cơ nhiều vụ liên tiếp nên giá bán cao hơn so với các nơi khác cũng sản xuất theo quy trình hữu cơ.

* Đánh giá thị trường: Các hộ tham gia mô hình đã được hướng dẫn quy trình sản xuất lúa hữu cơ sinh học đạt tiêu chuẩn gạo xuất khẩu. Tăng cường sự liên kết cho các hộ sản xuất bao tiêu cả đầu vào lẫn đầu ra, sản phẩm đầu ra cao hơn giá thị trường, từ đó khuyến khích nông dân sản xuất bền vững theo hướng hữu cơ, giảm chi phí - tăng thu nhập.

* Hiệu quả mô hình (phụ lục 1 đính kèm)

  Đây là mô hình nông dân trồng lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ có sự liên kết bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đạt hiệu quả kinh tế, mang tính bền vững, đáp ứng được xu thế tiêu dùng: ưu chuộng sản phẩm sạch, an toàn về vệ sinh thực phẩm. Sản xuất lúa hữu cơ hướng đến một nền nông nghiệp xanh, bền vững, để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, đặc biệt giá trị sản phẩm lúa hàng hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu, có liên kết bao tiêu sản phẩm là hướng đi bền vững được nông dân Long Hòa áp dụng và mang lại hiệu quả. Mô hình ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ: Sạ thưa hoặc cấy sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ; Quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng nấm Ometan, nấm Trichodermar, vôi để xử lý khi xuất hiện sâu bệnh ở mật số ảnh hưởng đến năng suất.

  - Hiệu quả kinh tế: Năng suất đạt 5 tấn/ha, giá bán 14.960 đồng/kg cao hơn 5.960 đồng/kg so với ngoài mô hình, lợi nhuận đạt 51.600.000 triệu đồng/ha; Mô hình  người dân tự sản xuất năng suất 4,5 tấn/ha, giá bán 9.000 đồng/kg, lợi nhuận khoảng 25.550.000 đồng/ha.

  - Hiệu quả xã hội: Mô hình tạo sự liên kết giữa các hộ sản xuất là giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo, giúp nông dân có được giải pháp sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo đơn đặt hàng. Giá sản phẩm ổn định, thu nhập cao hơn sản xuất lúa theo truyền thống của địa phương.

  - Hiệu quả môi trường: Mô hình không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học nên bảo vệ được sức khỏe cộng đồng, không gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, không gây hại mguồn lợi thủy sản và vụ nuôi thủy sản luân xen canh (tôm thẻ, sú, tôm càng xanh). Kết hợp đa dạng hóa trong nuôi trồng thủy hải sản trên chân ruộng, góp phần tăng thu nhập trên  một đơn vị diện tích, sản xuất nông nghiệp bền vững.

* Khả năng nhân rộng: Mô hình có khả năng nhận rộng trên vùng đất sản xuất lúa - tôm theo hình thức xen canh, luân canh để sản xuất bền vững bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ môi trường.