Cảnh giác với chiêu trò xuyên tạc về Luật Căn cước
Lượt xem: 2588
Thời gian gần đây, lợi dụng việc Quốc hội thông qua Luật Căn cước và thẻ căn cước công dân có tên gọi mới là “thẻ căn cước”, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024, các tổ chức phản động đã và đang ra sức đẩy mạnh các hoạt động công kích, bằng các thông tin xấu, độc gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân.

Người dân đề cao cảnh giác trước các thông tin xấu, độc trên không gian mạng của tổ chức phản động (Ảnh internet).

Luật Căn cước được Quốc hội thông qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, các phần tử chống đối, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đã triệt để lợi dụng vấn đề trên tăng cường và mở rộng các hoạt động tuyên truyền chống phá, xuyên tạc,... Mục đích của chúng nhằm tạo ra tranh cãi trong xã hội, nhất là trên không gian mạng, gây lo lắng, bức xúc trong Nhân dân. Dần dần, chúng tác động, chuyển hướng thành bất mãn, chống đối việc triển khai, thực hiện của các cơ quan chức năng. Một số đối tượng phản động, chống đối lại rêu rao thông tin rằng: “Sử dụng thẻ căn cước theo quy định mới là vi phạm đời tư cá nhân”; “thẻ gắn chíp nên người dân sẽ bị theo dõi mọi lúc, mọi nơi”;...Từ đó, chúng chỉ trích Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, không tôn trọng Nhân dân. Tuy nhiên, đây là luận điệu vô căn cứ nhằm lừa phỉnh, lôi kéo những người thiếu thông tin và chưa biết nhiều về công nghệ.

Việc Quốc hội thông qua Luật Căn cước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV là một bước đột phá trong việc đổi mới quản lý dân cư, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ căn cước công dân vào công tác quản lý Nhà nước.

Việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước cũng thể hiện rõ tính khoa học, bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng và phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số. Cụ thể, Luật Căn cước bổ sung một số thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu của cơ quan Nhà nước và người dân; giúp việc xác minh danh tính và giao dịch của công dân trên các nền tảng điện tử thuận tiện, an toàn hơn. Quy định về căn cước điện tử có giá trị pháp lý như căn cước in, sử dụng để chứng minh danh tính, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân khi thực hiện các giao dịch điện tử rất thuận lợi, tiết kiệm chi phí in ấn và bảo quản thẻ. Thẻ căn cước không cần in vân tay của công dân mà sử dụng mã QR để liên kết với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sau khi Luật Căn cước được Quốc hội thông qua cũng có nhiều ý kiến của người dân băn khoăn việc thay căn cước công dân đang sử dụng bằng thẻ căn cước có gây phiền hà, tốn kém cho người dân. Quốc hội cũng đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung quy định về chuyển tiếp đối với căn cước công dân và chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan Nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Thực tế cho thấy, âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước ta của các thế lực phản động trong quá khứ và hiện tại vẫn luôn có sự tiếp diễn. Theo thống kê, hiện có khoảng 400 tổ chức phản động ở nước ngoài. Các tổ chức này hình thành trên danh nghĩa chống lại “chế độ” nhưng thực chất là lừa bịp, mị dân, mưu đồ cá nhân hoặc kiếm tài trợ. Các tổ chức dù tên gọi khác nhau nhưng đều có hoạt động dưới màu sắc tôn giáo, chính trị - xã hội, sắc tộc và chúng đều có chung mục đích chống chế độ chính trị ở Việt Nam. Mặt khác, các tổ chức phản động khác đã duy trì các trang web, đài phát thanh và lập bản tin, cung cấp tài chính, phương tiện cho số đối tượng trong nội địa của chúng thu thập thông tin, viết bài công kích trực tiếp lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tập trung khai thác những sự kiện được dư luận quan tâm, lồng ghép thông tin xuyên tạc tình hình, bôi nhọ, vu cáo các cơ quan chức năng của nước ta.

Do vậy, để đấu tranh hiệu quả với các thủ đoạn, chiêu trò thâm hiểm của các thế lực thù địch, cơ quan chức năng khuyến cáo các cấp ủy đảng, chính quyền phải hết sức cảnh giác, chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá của các thế lực thù địch. Về phía người dân luôn đề cao cảnh giác, nâng cao sức đề kháng trước các thông tin bịa đặt, xấu, độc, không “like, share”, bình luận các thông tin chưa được kiểm chứng.

Việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật để phù hợp với thực tiễn, theo kịp xu thế của thời đại. Nhất là trong giai đoạn công nghệ 4.0 như hiện nay, các quốc gia trên thế giới cũng thường xuyên sửa đổi luật để phù hợp. Vì vậy, việc ban hành Luật Căn cước thay thế Luật CCCD đã có từ năm 2014 là tất yếu khách quan.

 Mỗi người dân cần sàng lọc thông tin, cẩn trọng với “những chuyện bên lề”; tích cực phối hợp, giúp đỡ cơ quan chức năng hoàn thành việc cấp thẻ căn cước gắn chíp điện tử để góp phần vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Phạm Hơn

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image