Trà Vinh chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai
Lượt xem: 9347
Ngày 18/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Hoàng ký ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch Phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2023.
 

 

Chính quyền địa phương huy động cơ giới khắc phục tạm thời điểm sạt lở ở ấp An Bình, xã Hòa Tân (Ảnh: Quang Huy)

Theo đó, Kế hoạch Phòng, chống thiên tai (PCTT) nhằm nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành, xử lý tình huống, sự cố tại chỗ của các cấp, các ngành trong công tác ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh. Chủ động trong công tác PCTT, tìm kiếm cứu nạn. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư. Quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.

Đồng thời, kế hoạch yêu cầu xác định cấp độ rủi ro thiên tai đối với các loại hình thiên tai ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh, đánh giá rủi ro thiên tai, tác động của thiên tai đến hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh; chủ động rà soát các điểm có nguy cơ cao về sạt lở, các khu vực trọng điểm để xây dựng các phương án ứng phó kịp thời, có hiệu quả; công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn phải được tiến hành chủ động và thường xuyên…

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt công tác phòng, ngừa đối với các loại hình thiên tai, UBND tỉnh đề ra các biện pháp cụ thể như sau:

Đối với bão, áp thấp nhiệt đới: gia cố, nâng cấp, đầu tư xây dựng hệ thống đê, kè, các công trình ven cửa sông, đập ngăn mặn …. bảo vệ cửa sông, bờ biển, chống xói, sạt lở do triều cường, nước dâng do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới. Nạo vét luồng lạch, cửa sông để tàu thuyền lưu thông tránh, trú bão an toàn và thuận lợi khi cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố tàu thuyền trên biển. Tăng cường chất lượng của các công trình cơ sở hạ tầng, nhà máy, cơ sở chế biến… hiện có.

Đối với lốc, sét: tăng cường chất lượng của các công trình hiện có; tiếp tục xây dựng, lắp đặt hệ thống công trình cảnh báo tự động.

Đối với hạn hán, xâm nhập mặn: rà soát, kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp; thực hiện nạo vét khu vực cửa cống lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn…; kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống cấp nước của các nhà máy nước; kiểm tra tình hình nạo vét kênh cấp 3, kênh nội đồng đảm bảo khả năng tích trữ, điều tiết, cung cấp nước; đầu tư xây dựng hệ thống đê biển, đê sông, kè biển, nâng cấp các công trình hiện có theo quy hoạch được phê duyệt.

Đối với nước dâng: sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống đê sông, đê biển, các công trình đê bao chống triều cường, kè sông và hệ thống tiêu thoát nước; nạo vét luồng lạch, lòng sông; xây dựng các mốc, tháp cảnh báo triều cường; sửa chữa, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới hệ thống các trạm khí tượng thủy văn; tăng cường các điểm đo mưa tự động, các trạm thủy văn ở các vị trí thường xuyên bị ảnh hưởng do triều cường trên địa bàn tỉnh. Tăng cường trồng và bảo vệ rừng phòng hộ, cây chắn sóng bảo vệ hệ thống đê điều...

Đối với sạt lở đất, xây dựng các khu tái định cư để di dời dân đến nơi an toàn; gia cố, nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới các kè sông kiên cố, các kè tường hướng dòng để hạn chế sạt lở; nạo vét, khơi thông luồng lạch, lòng sông; bảo vệ, phục hồi rừng ngập mặn, tăng cường trồng cây chắn sóng bảo vệ đê điều.

Đối với gió mạnh trên biển: gia cố, nâng cấp, sửa chữa và xây dựng mới các vị trí neo đậu tàu, thuyền tránh, trú bão.

Nguyên Chương

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image