Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế
Lượt xem: 8713
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 50/KH-UBND để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 12/3/2020 của Chính phủ và Kế hoạch số 126-KH/TU ngày 3/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
 

 

Cánh đồng điện gió tại thị xã Duyên Hải

Theo đó, nhằm chỉ đạo, điều hành bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, UBND tỉnh đề ra các mục tiêu về nhân lực, vật lực và tài lực theo các giai đoạn cụ thể.

Đối với nguồn nhân lực, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 35% tổng lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Sắp xếp công việc dựa trên vị trí việc làm, cơ bản củng cố hệ thống chức nghiệp thực tài.

Đến năm 2035, tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản sẽ chiếm khoảng 25-27%. Chỉ số phát triển con người HDI đạt giá trị trung bình khá trong khu vực và cả nước. Phát triển năng lực đổi mới, sáng tạo, có đội ngũ nhân lực khoa học, công nghệ tương đương trình độ trung bình cả nước.

Đến năm 2045, tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 15-17%. Chỉ số phát triển con người HDI đạt giá trị khá trong khu vực và cả nước. Năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nhân lực đạt mức trung bình khá của cả nước.

Đối với nguồn vật lực, đến năm 2025, các cơ chế, chính sách, công cụ thúc đẩy quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên cơ bản được hoàn thiện. Thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên hợp lý. Mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên được đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả.

Phát triển hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh các trục giao thông đối ngoại. Hoàn thành các công trình trọng tâm, trọng điểm, công trình kết nối liên vùng, liên tỉnh tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đến năm 2035, sẽ hoàn thiện công cụ quản lý nhà nước điều tiết thị trường, quyền sử dụng đất. Kiểm soát tốt tình hình ô nhiễm môi trường nước, phục hồi diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, tàn phá. Hoàn thiện hệ thống mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên, môi trường theo hướng tự động hóa. Cơ bản xây dựng hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên, môi trường và hệ thống thông tin giám sát tài nguyên.

Đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình trọng tâm, trọng điểm, công trình kết nối liên vùng, liên tỉnh tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cơ bản kết nối tốt các địa phương và khu vực.

Đến năm 2045, sẽ hoàn thành xây dựng bộ cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên, môi trường và hệ thống thông tin giám sát tài nguyên đồng bộ kết nối tốt với hệ thống dữ liệu quốc gia.

Chủ động ngăn ngừa, hạn chế tình trạng suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên. Hệ thống cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt trong khu vực.

Đối với tài lực, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, thu ngân sách địa phương đạt 7.000 tỷ đồng, chiếm 5,1% GRDP. Không để xảy ra tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản. Cơ bản hoàn thành xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. Hoàn thành di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy hoạch.  Đến năm 2035, duy trì thu ngân sách địa phương tăng bình quân mỗi năm chiếm từ 5-5,5% GRDP. Đến năm 2045 là từ 4,5-5% GRDP.

Để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra 11 nhiệm vụ chung:

1. Rà soát, cụ thể hóa các chủ trương, cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực xã hội phát triển KT-XH tỉnh.

2. Phổ biến rộng rãi các chủ trương, cơ chế, chính sách đã được ban hành.

3. Tăng cường các liên kết phát triển, quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên trong khu vực.

4. Thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại nền kinh tế, ngành, địa phương và sản phẩm.

5. Khai thác hiệu quả năng lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ xanh.

6. Phát triển những sản phẩm có sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao tham gia vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến.

7. Năng cao năng lực quản trị, kiến tạo, tự làm chủ, đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp.

8. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoạch định chiến lược, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

9. Kiểm soát tốt quyền lực, nâng cao trách nhiệm giải trình và đạo đức công vụ các ngành, các cấp.

10. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa, từng bước đẩy lùi tham nhũng củng cố lòng tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn xã hội.

11. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin các nguồn lực nền  kinh tế để sử dụng tối ưu và hiệu quả; tái sử dụng hiệu quả các nguồn lực dư thừa, làm tăng nguồn lực nền kinh tế.

Ngoài ra, còn có các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đối với từng nguồn lực: nhân lực, vật lực, nguồn lực vật chất và cơ sở hạ tầng.

Phương An

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image