Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Lượt xem: 575
0:00 / 0:00
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần lời dạy đó, trong những năm qua, công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo”  được các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Trà Vinh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến xây dựng thành công tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025.
anh tin bai

Mô hình dân vận khéo vận động nhân dân tự nguyện hiến đất làm đường tại thị xã Duyên Hải

Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trọng tâm là xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được các ngành, các cấp tiến hành thường xuyên, liên tục, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, đơn vị, nguyện vọng của Nhân dân. Trong 3 năm (2021 - 2023), có 6.067 tập thể, cá nhân đăng ký xây dựng mô hình (3.929 tập thể, 2.138 cá nhân ) trên các lĩnh vực (lĩnh vực kinh tế 854 mô hình; lĩnh vực văn hóa-xã hội 3.275 mô hình; lĩnh vực quốc phòng-an ninh 1.177 mô hình; lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị 761 mô hình) và phong trào thi đua “Dân vận khéo” trở thành phong trào chung của cả hệ thống chính trị.

Ban chỉ đạo cấp tỉnh luôn phát huy vai trò, trách nhiệm, chỉ đạo định hướng phong trào thi đua “dân vận khéo” ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội đã tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Minh chứng như mô hình “Mẹ đỡ đầu” của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp. Qua đây huy động mọi nguồn lực, cùng chăm lo “đỡ đầu” cho trẻ em mồ côi khó khăn trong tỉnh, để các em được tiếp thêm niềm tin, mạnh về thể chất, khỏe về tinh thần và phát triển toàn diện. Đảng ủy xã Long Toàn, Thị xã Duyên Hải thực hiện mô hình dân vận khéo vận động nhân dân tự nguyện hiến đất làm đường gắn với xây dựng xã nông thôn mới nâng cao; thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.

Mô hình dân vận khéo khuyến học khuyến tài “ươm mầm tri thức” của Hội Khuyến học huyện Châu Thành. Theo đó, phong trào “Nuôi heo đất khuyến học” được triển khai sâu rộng trong các đơn vị, địa phương và các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện. Trong năm 2023, Hội Khuyến học huyện Châu Thành đã nuôi được 18.500 con heo đất. Huyện tổ chức khui hơn 17.600 con với tổng số tiền hơn 11,5 tỷ đồng; đạt 130% so chỉ tiêu đề ra.

Thực tế, rất nhiều em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở các cấp học trên địa bàn huyện Châu Thành được tiếp thêm nghị lực nhờ vào suất học bổng hỗ trợ dụng cụ học tập từ các vị sư và Ban khuyến học chùa Trốt Cớt xã Đa Lộc. Hàng tháng, phật tử đi chùa vào ngày mùng 8, ngày rằm, 23 và 30 âm lịch, mỗi lần đến chùa, phật tử sẽ đóng góp tiền vào Qũy từ thiện để Ban khuyến học trích quỹ chăm lo cho sự nghiệp giáo dục ở địa phương và những vùng quê nghèo còn khó khăn trong huyện Châu Thành.

Em Thạch Thị Yến Linh, ngụ xã Đa Lộc, huyện Châu Thành nói: Thời gian qua, hội Khuyến học huyện Châu Thành đã hỗ trợ cho em số tiền để xây lại nhà và củng cố tinh thần, tiếp thêm động lực giúp em học tập tốt hơn và giúp em bước tiếp để thực hiện được ước mơ của mình là làm Luật sư.

Trao đổi với chúng tôi, bà Thạch Thị Chiêm, mẹ em Linh bày tỏ suy nghĩ: Hồi đó nhà dột nát, nhờ Hội khuyến học cho nhà, lo cho con nó học hành tới nơi tới chốn. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi đi làm mướn thu nhập không ổn định nên khi được hỗ trợ thì tôi mừng lắm.

anh tin bai

Em Linh (áo thể dục giữa) được sự hỗ trợ từ Ban Khuyến học chùa Trốt Cớt

 Phong trào “Dân vận khéo” được gắn với việc triển khai nhiệm vụ đặc thù của mỗi đơn vị với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Các đơn vị lực lượng vũ trang chủ động phối hợp với các ban ngành tăng cường củng cố tình đoàn kết giữa lực lượng vũ trang với Nhân dân, khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy vai trò của Nhân dân trong tham gia phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc và nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân, đảm bảo ổn định về chính trị, trật tự xã hội.

Điển hình như mô hình dân vận khéo “Chung tay bảo vệ môi trường sinh thái biển xanh, sạch” của Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh nhằm tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân trên khu vực biên giới biển của tỉnh về vai trò của môi trường sinh thái biển đối với đời sống con người, ý thức trách nhiệm của cộng đồng đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái.

Mô hình “Vận động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào phát hiện, tố giác, vây bắt tội phạm trên địa bàn” của Công an xã Hàm Giang, huyện Trà Cú; xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” gắn với phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang tỉnh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”,... với nhiều cách làm sáng tạo, phong phú đã nâng cao ý thức tự quản trong cộng đồng. Qua đây, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, hòa giải thành công nhiều vụ việc phức tạp ngay tại cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh chính trị, làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân…

Thiếu tá Lê Bảo Giang, Trưởng Công an xã Hàm Giang, huyện Trà Cú nói: Mục tiêu hướng đến trong thời gian tới là sẽ tiếp tục duy trì và nâng chất mô hình để hoạt động hiệu quả hơn nữa, thứ hai là tiếp tục huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân để tham gia tích cực phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ của quần chúng nhân dân, nhất là phong trào phát hiện, tố giác và vây bắt tội phạm trên địa bàn xã.

Chính quyền, các cơ quan nhà nước các cấp xây dựng các mô hình, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, chú trọng đổi mới lề lối làm việc,  xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Mô hình “Tuyên truyền cải cách thủ tục hành chính tăng sự hài lòng của người dân” của Đảng uỷ Sở Tư pháp là một minh chứng.

Chị Nguyễn Ngọc Bích, ngụ xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành chia sẻ: Tôi đến Sở Tư pháp được cán bộ hướng dẫn rất tận tình làm thủ tục nhập quốc tịch về Việt Nam, hủy quốc tịch Campuchia, hẹn trong vài ngày nên cũng thuận tiện, gọn, chứ cũng không có mất nhiều thời gian.

Trà Vinh có gần 32% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh tập trung quan tâm phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc với nhiều Nghị quyết được ban hành sát hợp điều kiện thực tiễn. Các địa phương quan tâm chỉ đạo xây dựng các mô hình để động viên các chức sắc, chức việc, bà con giáo dân, tín đồ phật tử tin tưởng và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Theo đó, nhiều mô hình trong đồng bào dân tộc và tôn giáo được hình thành và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Có thể thấy rằng, trong 3 năm, phong trào thi đua dân vận khéo và các mô hình sáng tạo, thiết thực đã tạo sự chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức, trách nhiệm, hành động, tác phong, lề lối làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức - nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền, vai trò nòng cốt của các tổ chức chính trị- xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Các ngành, các cấp đã biểu dương khen thưởng 360 tập thể, 633 cá nhân thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Việc đăng ký, xây dựng, triển khai thực hiện mô hình gắn với các phong trào thi đua khác ở địa phương như phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào xây dựng đời sống văn hóa... làm cho các loại hình "dân vận khéo" thêm phong phú, đa dạng, có sức lan toả và tạo thành phong trào quần chúng mạnh mẽ. Trong mọi hoạt động xem dân là gốc theo cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” . Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu Trà Vinh đạt chuẩn Nông thôn mới trước năm 2025 và là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030.

 

Minh Thùy

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image