Cấp cứu dòng tiền vốn kinh doanh cho doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới
Lượt xem: 2240
Tiếp tục đợt họp tập trung tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 09/11/2021, Quốc hội thảo luận kết quả tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022. Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội  tỉnh Trà Vinh đã có một số kiến nghị liên quan đến hỗ trợ vốn kinh doanh cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất trong điều kiện bình thường mới và công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ vắc xin cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. 

Toàn cảnh Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV 
tại Hội trường buổi chiều ngày 09/11/2021 (Ảnh: quochoi.vn)

Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, khi đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, kế hoạch năm 2022, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, nhiều vấn đề tồn tại từ giai đoạn trước đến nay vẫn chưa có chuyển biến mạnh như kinh tế nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, điều phối phát triển vùng thiếu liên kết, chưa phát huy lợi thế cạnh tranh của địa phương; một số vùng kinh tế trọng điểm chưa được đầu tư đúng mức, chưa phát huy đầu tàu kinh tế vùng và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài chưa được ưu tiên đề ra.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận tình hình kinh tế - xã hội
và ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
năm 2022 vào buổi chiều ngày 09/11/2021
(Ảnh: Quang Khánh - daibieunhandan.vn) 

Thực tiễn cũng đã xuất hiện những vấn đề mới đòi hỏi phải thay đổi để thích ứng như dịch Covid-19 trên toàn cầu, dịch tả lợn châu Phi tấn công bất ngờ gây thiệt hại lớn về kinh tế; tình hình căng thẳng thương mại giữa các nước lớn đã nhanh chóng lăn ra thành mâu thuẫn đa diện trên toàn cầu. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta sau ba kỳ kế hoạch từ 2001 đến nay chưa đt mục tiêu. Giai đoạn 2016 - 2020 nước ta tăng trưởng 5,8%, thấp hơn so với mục tiêu 7% một năm.

Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu tốc độ GDP bình quân 5 năm tới là 6,5 - 7%, nhưng, đại biểu tỉnh Trà Vinh lưu ý, bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng, nếu không thay đổi mô hình kinh tế, chúng ta sẽ không đạt tăng trưởng như mong muốn. “Trong tương lai nếu vẫn giữ mức 6%/năm thì cả hai mục tiêu Đại hội XIII đề ra không hoàn thành được. Nếu tăng 7%/ năm nước ta đạt mức thu nhập trung bình cao hơn sớm vào năm 2030 nhưng đến năm 2045 vẫn chưa đạt mức thu nhập cao. Nếu tăng 8%/năm nước ta sẽ về sớm hơn cả hai mục tiêu được Đại hội XIII của Đảng đề ra sớm một vài năm”. Với những phân tích này, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, việc hình thành mô hình kinh tế mới là nhiệm vụ dài hạn và đột phá trong những năm tới.

Bên cạnh đó, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã thay đổi cách thức đo lường năng lực cạnh tranh quốc tế từ năm 2018 và được gọi là năng lực cạnh tranh 4.0. Theo cách tiếp cận này, có bốn yếu tố quan trọng để đo lường năng lực cạnh tranh quốc gia bao gồm: môi trường thể chế thuận lợi, hạ tầng, ổn định vĩ mô; nguồn nhân lực; các thị trường đồng bộ; thứ tư, hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo. Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng khuyến nghị mạnh mẽ rằng, để phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, các quốc gia cần tập trung vào xây dựng tầm nhìn hoạch định chính sách dài hạn; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số hóa vào cung cấp dịch vụ công; đào tạo lại nghề cho lao động trong quá trình chuyển đổi; ban hành khung khổ chính sách thị trường lao động linh hoạt; nâng cao năng lực hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe; thúc đẩy đầu tư và hoạt động nghiên cứu phát triển. Do đó, đại biểu đề nghị, Chính phủ bổ sung một trụ cột trong phát triển kinh tế cũng như cơ cấu lại nền kinh tế - xã hội trong năm hai cũng như giai đoạn tới là sức khỏe và nhân lực.

Cũng theo đại biểu Bình, “cơn bão lớn dịch Covid-19" đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng hết sức khó khăn. Doanh nghiệp đã thực hiện mô hình 3 tại chỗ. Tuy nhiên, nhiều địa phương lo ngại dịch bệnh nên dù doanh nghiệp hoạt động theo mô hình ba tại chỗ khá hiệu quả cũng vẫn bị vướng vào nhiều quy định ràng buộc liên quan đến phòng, chống dịch, bảo vệ doanh nghiệp. Doanh nghiệp mong muốn các địa phương, cơ quan chức năng tạo điều kiện về sản xuất, về nguồn lực, giao thông”. Qua ghi nhận ý kiến của cử tri, đại biểu Thạch Phước Bình cũng nhận thấy, điều mong mỏi của doanh nghiệp lúc này là được cấp cứu dòng tiền kinh doanh cho mình, thông qua các chính sách khoanh nợ, giãn nợ và vay vốn mới. Tuy nhiên, chính sách còn thiếu thực tế hoặc điều kiện quá chặt. Đại biểu nhấn mạnh, Chính phủ, bộ, ngành cần thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để họ góp tiếng nói vào chính sách chung, thúc đẩy hiệu quả trong thực thi chính sách, từ đó cải thiện chính sách đúng, trúng, đủ và mang tính dài hạn hơn. Như vậy, chính sách đã ban hành sẽ đi vào thực tiễn, phù hợp với từng doanh nghiệp, từng ngành, từng giai đoạn.

Bên cạnh đó, đại biểu Thạch Phước Bình cũng cho biết hiện nay nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng, trong đó, phần lớn các ca mắc được phát hiện trong cộng đồng. Đáng chú ý, một số địa phương có số ca mắc cao như Cần Thơ (440 ca/ngày), Bạc Liêu (414 ca/ngày), An Giang (355 ca/ngày)… Nguyên nhân số ca mắc tăng cao chủ yếu do người trở về từ các vùng có dịch (2% tổng số người trở về các địa phương); các địa phương nới lỏng giãn cách nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; lượng người dân di chuyển lớn cùng với tâm lý chủ quan đã và đang gây áp lực lớn cho hệ thống y tế các tỉnh trong khu vực. Trong khi số ca mắc trong cộng đồng cao thì tỷ lệ tiêm đủ mũi 1 cho người trên 18 tuổi của hầu hết các địa phương trong vùng còn thấp, nhất là mũi 2 ở các địa phương Trà Vinh, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang… là thấp nhất trong khu vực và cả nước…

Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế nhanh chóng cung cấp đầy đủ vắc xin, kịp thời hỗ trợ sinh phẩm y tế, trang thiết bị phòng chống dịch nhằm đảm bảo phủ 100% mũi 1 và tăng nhanh tỷ lệ tiêm mũi 2 cho người dân trong khu vực. Điều này là rất cần thiết khi mà các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long có hoạt động giao lưu, đi lại, hoạt động kinh tế rất lớn với Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai… Song song đó, ông cũng kiến nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch Covid-19, trong tình hình mới. Nghiên cứu, sớm phê duyệt sử dụng khẩn cấp các loại vắc xin, sinh phẩm y tế phục vụ công tác phòng chống dịch do các doanh nghiệp trong nước sản xuất nhằm từng bước hạn chế phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài tiến tới chủ động trong nước./.

Kiến Quốc

 

 

 

Tin khác