10 nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính năm 2024
Lượt xem: 467

Nhằm thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính có kết quả, thực chất, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch cải cách thủ tục hành chính năm 2024. Trong đó nêu rõ 10 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện.

anh tin bai

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Cầu Kè

Thứ nhất, chủ động rà soát, phát hiện các bất cập về thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân cần cắt giảm, đơn giản hóa; đề xuất phân cấp thẩm quyền giải quyết, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp trong giải quyết TTHC.

Thứ hai, rà soát TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước, TTHC nội bộ thực hiện trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số lượng TTHC và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ TTHC.

Thứ ba, thực hiện tốt việc đánh giá tác động, thẩm định quy định TTHC tại đề nghị, dự án, dự thảo văn bản QPPL bảo đảm chỉ ban hành TTHC thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ thấp nhất.

Thứ tư, hoàn thiện, tích hợp, cung cấp nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2024.

Thứ năm, rà soát, đánh giá, tái cấu trúc quy trình đối với các dịch vụ công trực tuyến đang được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm; đồng thời, ưu tiên xây dựng, tích hợp, cung cấp các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông cung cấp ở mức độ toàn trình đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ sáu, công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Định kỳ hàng tháng thống kê đầy đủ những TTHC được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để kiểm soát chặt chẽ việc ban hành và thực hiện TTHC.

Thứ bảy, tập trung số hóa, làm sạch dữ liệu, gắn việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC với việc thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC; đẩy mạnh tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa giữa các bộ, ngành, địa phương thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu với Kho quản lý dữ liệu cá nhân, tổ chức trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Rà soát, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành danh mục thành phần hồ sơ phải số hóa theo quy định.

Thứ tám, thực hiện việc tích hợp, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công tập trung do bộ, ngành quản lý với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh.

Thứ chín, tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy định TTHC; tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong giải quyết TTHC và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh việc giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thứ mười, định kỳ hàng tháng công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công tỉnh, Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tổ chức, cá nhân theo dõi, giám sát.

Phương An

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image