Điều kiện tài nguyên thiên nhiên
Lượt xem: 2449

Tài nguyên đất

Theo số liệu thống kê đất đai năm 2020 thì lãnh thổ của tỉnh được chia thành 5 nhóm đất (đất cát, đất mặn, đất phèn, đất phù sa và đất lập líp) và 18 loại đất.

Trong đó, xếp theo thứ tự quy mô: (i) Nhóm đất mặn có diện tích lớn nhất, 47.362 ha chiếm 19,81%, gồm 4 loại đất; (ii) Nhóm đất Líp với diện tích 35.838 ha; (iii) Nhóm đất phù sa có 3 loại với 34.180 ha (14,30%); (iv) Nhóm đất phèn 32.910 ha tương đương 13,77% diện tích; (v) Nhóm đất cát với 8.250 ha tương đương 3,45% diện tích tự nhiên và nhóm này cũng chỉ có một loại duy nhất là đất cát giồng.

Các đặc trưng về đất nói trên cho phép tỉnh hình thành nên các vùng sinh thái mặn - lợ - ngọt và phát triển đa dạng các loại hình canh tác nông nghiệp: (i) Trồng lúa có hiệu quả tại các huyện: Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang, Càng Long, Tiểu Cần....; (ii) Trồng cây lâu năm như dừa, ca cao, cam, xoài, chuối, bưởi, nhãn tại các huyện: Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Cầu Ngang; (iii) Trồng cây hàng năm tại các huyện: Trà Cú, Duyên Hải, Tiểu Cần, TX Duyên Hải, Châu Thành… ; (iv) Nuôi trồng thuỷ sản tại các huyện: Duyên Hải, TX Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú…

Tài nguyên rừng

Tổng diện tích rừng toàn tỉnh năm 2020 (gồm cả diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng) là 9.177,67 ha (trong đó, rừng tự nhiên là 2.922 ha, chiếm 32,1%, còn lại là rừng trồng, chiếm 67,9% ).

Rừng không phân bố tập trung mà phân bố dọc theo vùng ven biển, cửa sông, nhiều nhất là trong các khu vực có sản xuất lâm - ngư kết hợp. Đối với diện tích này thì rừng được trồng trên các liếp, bờ bao xen trong các đầm nuôi trồng thủy sản, đây là đặc thù của vùng sản xuất lâm - ngư kết hợp của tỉnh Trà Vinh nói riêng, rừng ngập mặn vùng ĐBSCL nói chung.

Tài nguyên rừng ngập mặn ven biển của Trà Vinh được xem là một “bức tường xanh” có tác dụng ngăn chặn, hạn chế tác hại của gió bão và sóng biển; hỗ trợ cho quá trình lấn biển, mở rộng diện tích tự nhiên thông qua việc rễ của các loài cây tiên phong như Bần, Mấm giữ và nén chặt phù sa, làm tăng tốc độ bồi lắng giúp các bãi bồi được hình thành nhanh chóng.

Tài nguyên nước

Tài nguyên nước mặt Tỉnh Trà Vinh có tài nguyên nước mặt khá dồi dào. Ngoài lượng mưa tại chỗ hàng năm tương đối lớn (1.500 - 1.627 mm/năm), trên địa bàn tỉnh còn có 2 nguồn nước mặt cung cấp trực tiếp cực kỳ quan trọng qua 2 hệ thống sông lớn: sông Hậu (lưu lượng 20.000 - 32.000 m3 /giờ) và sông Cổ Chiên (lưu lượng 12.000-19.000 m3 /giờ) thông qua Dự án thủy lợi Nam Mang Thít, cùng các sông nhánh như sông Cái Hóp - An Trường, sông Cần Chông, rạch Tân Định, rạch Bông Bót, rạch Tổng Long… và trên 600 km kênh lớn, khoảng 2.000 km kênh cấp I, II.

Nước mặt được khai thác chủ yếu phục vụ mục đích nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản với lưu lượng lớn. Ngoài ra, vùng nước ngọt được khai thác cung cấp cho sinh hoạt, công nghiệp. Tuy tài nguyên nước mặt phong phú nhưng phân bổ không đều theo mùa và giữa thượng nguồn với hạ nguồn. Trên 90% lượng mưa tập trung vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11).

Tài nguyên khoáng sản

Khoáng sản kim loại

Titan sa khoáng phân bố dọc bờ biển. Theo kết quả của nghiên cứu “Điều tra đánh giá sơ bộ tài nguyên Cát đen khu vực ven biển tỉnh Trà Vinh và đề xuất hướng khai thác sử dụng” của Viện Địa lý Tài nguyên TP Hồ Chí Minh đã đưa ra: Ở khu vực ven biển tỉnh Trà Vinh, sa khoáng cát đen được tìm thấy dạng xâm tán, thấu kính và lớp mỏng trong trầm tích giồng cát và cát bãi triều. Thành phần sa khoáng cát đen chủ yếu là magnetit, hematit, ilmenit, rutin, leucoxen, anatas và zircon, trong đó khoáng vật chứa titan là ilmenit, rutin, leucoxen, anatas và khoáng hiếm là zircon.

Khoáng sản phi kim loại, gồm:

Cát giồng: Phân bố trên các giồng cát, chủ yếu tại các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, huyện Duyên Hải và TX Duyên Hải, các giồng cát là nơi có tiềm năng chứa nguồn tài nguyên nước ngọt rất quý ở khu vực ven biển. Từ năm 1998, tỉnh đã có chủ trương cấm khai thác tại các giồng cát.

 Cát lòng sông: phân bố chủ yếu trên hai tuyến sông Hậu và sông Cổ Chiên, trong những năm qua cát lòng sông là nguồn vật liệu chính phục vụ cho san lấp mặt bằng các công trình xây dựng, đường giao thông, công trình dân dụng,…trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

 Cát ven biển: Căn cứ vào Báo cáo “Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản cát san lấp ven biển tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, qua công tác điều tra địa chất cơ bản và đánh giá chất lượng cát san lấp ven biển tỉnh Trà Vinh, trên địa bàn tỉnh có 04 vùng triển vọng cát san lấp ven biển với trữ lượng 319,92 triệu m3.

Đất sét: Theo kết quả điều tra, đánh giá hiện nay trên địa bàn tỉnh có 37 điểm khoáng sản sét chủ yếu nằm trên đất mặt ruộng. Sét gạch ngói trên địa bàn tỉnh có 13 khu vực; trong đó có 12 khu vực với tổng diện tích 268,13ha, tài nguyên sét cấp 333 đạt 4.458.684 m3 và 01 khu vực thăm dò với diện tích 200 ha, tổng trữ lượng cấp 121 + 122 đạt 9.083.988 m3 . Các khu vực trên tập trung chủ yếu ở các huyện: Càng Long (05 khu vực) Tiểu Cần (03 khu vực), Châu Thành (04 khu vực), Cầu Kè (01 khu vực).

Nước khoáng: Theo kết quả điều tra, khảo sát trên địa bàn tỉnh có 02 điểm mỏ có nguồn nước khoáng có thể đưa vào khai thác, sử dụng:

- Vị trí 1: Tại khóm 1, phường 1, TX Duyên Hải, thành phần Bicacbonat Natri (NaCO3) khá cao khá cao, đạt tiêu chuẩn khoáng cấp quốc gia, nhiệt độ 38,50C và khả năng khai thác 180m3 /ngày.

- Vị trí 2: Tại thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè (mỏ Cầu Kè), khu vực có triển vọng nước khoáng có thể khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nước khoáng thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.