Đề cương tuyên truyền: Nội dung quyển sách “Đồng chí Nguyễn Đáng, người cộng sản trung kiên, mẫu mực, suốt đời vì Đảng, vì dân”
Lượt xem: 72
Quyển sách“Đồng chí Nguyễn Đáng, người cộng sản trung kiên, mẫu mực, suốt đời vì Đảng, vì dân” được kết cấu gồm IV chương và phần Phụ lục, khái quát như sau:

Chương I: QUÊ HƯƠNG, GIA ĐÌNH, THỜI NIÊN THIẾU VÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG YÊU NƯỚC ĐẦU TIÊN

I. QUÊ HƯƠNG, GIA ĐÌNH

Vùng đất Trà Vinh nói chung, Càng Long và quê hương Huyền Hội nói riêng là cái nôi cách mạng với truyền thống đấu tranh chống giặc đã tác động, bồi dưỡng tư tưởng yêu nước để người thanh niên Nguyễn Đáng trở thành nhà chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Gia đình, dòng họ Nguyễn Đáng sống kiếp nông dân nghèo, làm thuê ở đợ cho địa chủ. Đến thời mình, anh em ông trải nghiệm sự cơ cực tủi nhục của những người bị áp bức bóc lột, cảm nhận sự sục sôi của các hoạt động đấu tranh cách mạng nơi quê hương, Nguyễn Đáng cùng người em đã nung nấu tinh thần căm thù giặc, ý chí kiên cường vùng lên chống lại sự áp bức, bất công. Anh em đồng lòng cùng sống chết vì lý tưởng, cùng sự yêu thương hỗ trợ từ gia đình là những nguồn sức mạnh to lớn nuôi dưỡng ý chí cách mạng, tiếp thêm sức mạnh cho con đường đấu tranh phía trước.

II. THỜI NIÊN THIẾU VÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG YÊU NƯỚC ĐẦU TIÊN

Nguyễn Đáng sinh ngày 16/11/1925 ở ấp Giồng Bèn, xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh ngày nay (lúc bấy giờ thuộc Liên bang Đông Dương) trong một gia đình nghèo. Cha mẹ của ông là ông Nguyễn Văn Tỵ và bà Phạm Thị Huệ đều làm tá điền cho địa chủ Lâm Quang Vĩnh (Lâm Quang So).

Với tư chất thông minh, bản tính hiền lành, hào hiệp, hiếu nghĩa, từ nhỏ, ông đã vượt qua những bần cùng khó khăn: vừa ở đợ, vừa theo học chữ và phụ giúp gia đình. Càng thương cha mẹ cực nhọc vất vả, ông càng hiểu hơn cảnh cơ cực tủi nhục của kiếp người ở đợ làm thuê.

Những năm 1943, 1944 qua sự tuyên truyền giáo dục của cán bộ, đảng viên đi trước, thấy được trách nhiệm của một thanh niên đứng trước nỗi khổ của gia đình, nỗi đau của quê hương đất nước, ông sớm giác ngộ đến với cách mạng. Ông thôi không ở đợ cho địa chủ, chuyển sang nghề đánh xe thuê. Hàng ngày, Nguyễn Đáng đánh xe từ Huyền Hội, khi thì đi Bãi Xan, khi đi Càng Long, đến Tiểu Cần, Cầu Kè… vừa đi đánh xe, ông vừa làm liên lạc, nắm tình hình địch để báo lại cho cơ sở.

Chuỗi ngày tháng đó là cột mốc bắt đầu cho những hoạt động cách mạng anh dũng, kiên trung của người chiến sỹ Nguyễn Đáng sau này.

Chương II: THAM GIA VÀ LÃNH ĐẠO CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC (1945 – 1975)

I. THAM GIA KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ ĐẾ QUỐC MỸ TRÊN QUÊ HƯƠNG HUYỀN HỘI VÀ CÀNG LONG (1945 – 1961)

Năm 1945, phong trào cách mạng phát triển mạnh ở Huyền Hội và các xã trong huyện, Nguyễn Đáng gia nhập Thanh niên Tiền phong. Ngày 25/8/1945, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ huyện, xã, Nguyễn Đáng đi đầu trong lực lượng thanh niên và Nhân dân xã Huyền Hội nổi dậy giành chính quyền. Khi chính quyền cách mạng được thành lập, Nguyễn Đáng được giao nhiệm vụ phụ trách Đội Thanh niên cứu quốc xã Huyền Hội, vận động, tập hợp thanh niên tham gia lực lượng vũ trang, xây dựng Trung đội du kích.

Trải qua quá trình phấn đấu và rèn luyện, tháng 5/1947, Nguyễn Đáng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Đến tháng 6/1948, giữ chức vụ Xã Đội trưởng, kiêm Trưởng An ninh xã Huyền Hội.

Ngày 25/4/1947, dân quân Huyền Hội dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn  Đáng và đồng chí Lê Văn Chữ - Năm Lôi (sau này là Tỉnh đội trưởng Trà Vinh) phục vụ đắc lực cho Chi đội 20 thuộc Quân Khu 8, đánh phục kích giặc Pháp trên tuyến lộ Ô Đùng.

Năm 1951, thực dân Pháp mở nhiều cuộc hành quân càn quét vào Huyền Hội, Tân An, An Trường với ý đồ chiếm bằng được các xã này. Nguyễn Đáng đã cùng với lực lượng dân quân du kích đánh trả quyết liệt. Trong một trận đánh tại xã Huyền Hội, tháng 12/1951, Nguyễn Đáng sa vào tay giặc. Dù bị địch tra khảo, đánh đập tàn nhẫn, đồng chí Nguyễn Đáng vẫn giữ khí tiết cách mạng. Không khai thác được gì, chúng đem đồng chí xuống giam tại khám lớn ở Tỉnh lỵ Trà Vinh. Trong lao tù đồng chí tiếp tục hoạt động trong Chi bộ nhà tù, tìm mọi sơ hở của chúng để đấu tranh chống lại. Sau 9 tháng trong nhà tù, đến tháng 8/1952, đồng chí Nguyễn Đáng mưu trí cùng các đồng chí trong khám lớn Trà Vinh tổ chức một cuộc nổi dậy phá sập khám, giải thoát trên 120 cán bộ và Nhân dân bị giặc giam giữ.

Trở về Huyền Hội, đồng chí tiếp tục hoạt động bám dân, bám đất, diệt trừ tề gian, củng cố lại phong trào cách mạng. Từ tháng 8/1952 đến đầu năm 1954, đồng chí Nguyễn Đáng là Chi ủy viên xã Huyền Hội, kiêm Xã Đội trưởng. Tháng 5/1954, đồng chí Nguyễn Đáng được cử làm Bí thư xã Huyền Hội lãnh đạo toàn diện phong trào đấu tranh cách mạng của xã.

Tháng 10/1956, đồng chí Nguyễn Đáng được phân công làm Huyện ủy viên; tháng 5/1957 được đề bạt Thường vụ Huyện uỷ Càng Long và từ năm 1959 đồng chí Nguyễn Đáng là Bí thư Huyện ủy Càng Long. Đây là thời kỳ khó khăn nhất của cách mạng miền Nam. Mỹ - Diệm ban hành “luật Phát xít 10/59”, tiến hành “tố cộng, diệt cộng”, lê máy chém đi khắp nơi. Trên cương vị Bí thư Huyện ủy, ông đã thành lập và phát triển lực lượng võ trang địa phương quân của huyện Càng Long, đẩy mạnh phong trào 3 mũi giáp công, quyết bám đất, bám dân. Phong trào cách mạng ở Càng Long được củng cố và phát triển, đến phong trào Đồng Khởi 1960, khắp nơi trong huyện thành lập lực lượng vũ trang sớm, tạo thế và lực cho địa phương quân của tỉnh và cũng là huyện dẫn đầu của tỉnh Trà Vinh về xây dựng phong trào nhân dân du kích, giữ vững thực lực cách mạng.

II. LÃNH ĐẠO CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH (1961 – 1971)

Tháng 3/1961, đồng chí Nguyễn Đáng được đề bạt Tỉnh uỷ viên cho đến năm 1963. Từ năm 1964 đến giữa năm 1965 là Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chính trị viên Tỉnh đội Trà Vinh. Trong thời gian này, thất bại từ phong trào Đồng khởi, Mỹ - Ngụy không ngừng tăng cường càn quét, bình định nông thôn, dồn dân lập ấp chiến lược, nhằm cô lập và tiêu diệt lực lượng cách mạng ở Trà Vinh. Đứng trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Đáng cùng với Tỉnh ủy lãnh đạo và tổ chức hoạt động đấu tranh chính trị - binh vận - vũ trang, bám dân, bám đất để tấn công và phản kích địch, kiên quyết chống lại những cuộc càn quét, lấn chiếm của địch; chủ trương thực hiện phương châm "một tấc không đi, một ly không rời", Nhân dân bám trụ sản xuất và phục vụ cách mạng. Đồng chí đặc biệt coi trọng công tác Khmer vận, lấy tình đồng chí, đồng đội để thắt chặt mối đoàn kết quân-dân, đoàn kết Kinh-Khmer đứng lên đấu tranh chính trị, binh vận, vũ trang của quân dân Trà Vinh liên tiếp nổ ra. Có những cuộc đấu tranh chính trị huy động trên 30.000 người kéo vào tỉnh lỵ, huyện lỵ trong tỉnh đòi Mỹ - Ngụy bồi thường nhân mạng cho đồng bào, đòi chúng không được bắn phá bừa bãi vào Nhân dân; đấu tranh đòi rời bỏ ấp chiến lược trở về quê cũ làm ăn. Phong trào binh vận được đẩy mạnh trong lòng địch, nhiều cuộc binh biến, phản chiến, đào ngũ trong lực lượng ngụy quân xảy ra thường xuyên.

Với ba mũi giáp công, quân dân Trà Vinh đã làm chủ được nhiều vùng rộng lớn; giải phóng được 2/3 đất đai và 60% dân số trong tỉnh (giải phóng hoàn toàn 20 xã, giải phóng phần lớn sáu xã và hàng trăm ấp…), giải phóng hoàn toàn quận lỵ Long Toàn (nay là thị xã Duyên Hải). Đây là quận lỵ đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ được giải phóng trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi của quân, dân tỉnh Trà Vinh góp phần xứng đáng vào thắng lợi của quân, dân toàn miền, bẻ gãy quốc sách ấp chiến lược - xương sống của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Ngụy. Gắn liền với quá trình tiến công đánh địch, giải phóng xã, ấp, các lực lượng vũ trang của địa phương không ngừng được củng cố và phát triển. Trên cơ sở đó, Đại đội 501, Tiểu đoàn 501 của tỉnh Trà Vinh chính thức được thành lập. Với những thành tích đó, quân, dân Trà Vinh được Trung ương tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Hai, là tỉnh dẫn đầu các tỉnh miền Tây Nam Bộ về phong trào nhân dân du kích chiến tranh và là một trong ba tỉnh nổi bật nhất trên chiến trường miền Nam. Tỉnh Trà Vinh được Bộ Chỉ huy miền tặng thưởng danh hiệu “Tỉnh dẫn đầu phong trào nhân dân du kích chiến tranh toàn miền”.

Sau thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” với ba nội dung lớn: tảo thanh, bảo đảm an ninh, tìm và diệt. Vào thời điểm này, Trà Vinh là chiến trường cài răng lược giữa ta và địch, là tỉnh bản lề giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ, có đông đồng bào Khmer và nhiều tôn giáo.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và của Khu ủy, cuối năm 1965, Tỉnh ủy Trà Vinh triệu tập Hội nghị cán bộ do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đáng chủ trì, tiến hành đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng bộ, các lực lượng vũ trang nhân dân và các tổ chức thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng của tỉnh, nâng cao ý chí cách mạng, tinh thần đoàn kết và ý chí tự lực tự cường quyết tâm đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” của giặc Mỹ xâm lược. Trên cơ sở đó, đồng chí Nguyễn Đáng khẩn trương chỉ đạo: xây dựng lực lượng vũ trang (Tiểu đoàn 501 cấp ủy trực tiếp chỉ đạo), tăng cường quân số, trang bị và huấn luyện cho bộ đội tỉnh, bộ đội địa phương huyện và dân quân du kích xã, ấp để đủ sức chiến đấu trong tình hình mới; khẩn trương phát triển lực lượng binh vận, sáng tạo thời cơ và chủ động đánh địch khi thời cơ đến, đồng thời tìm cách khoét sâu mâu thuẫn giữa cố vấn Mỹ và sĩ quan ngụy (vì cố vấn Mỹ thường có thái độ miệt thị đối với ngụy quân, ngụy quyền). Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân "hầm chắc hơn nhà tốt".

Dưới sự chỉ đạo sắc bén và kịp thời của Tỉnh ủy, đứng đầu là đồng chí Bí thư Nguyễn Đáng, quân và dân Trà Vinh đã giành nhiều thắng lợi, phong trào nhân dân du kích chiến tranh diễn ra sôi nổi, đều khắp. Đến cuối năm 1965 và trong năm 1966, lực lượng vũ trang nhân dân cả tỉnh Trà Vinh đã liên tục đánh địch, hỗ trợ kịp thời và tích cực cho các mũi đấu tranh chính trị, binh vận giành thắng lợi, loại khỏi vòng chiến gần 9.000 tên địch, diệt 18 đồn, bức rút 19 đồn, giản tán hai ban tề xã, tiêu diệt 52 xe quân sự, 9 tàu chiến, thu hàng trăm súng các loại, giải phóng được 2/3 vùng nông thôn trong tỉnh.

Bước sang năm 1967, quân và dân tỉnh Trà Vinh tiếp tục phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, phối hợp hai chân, ba mũi, nêu cao tinh thần hiệp đồng tác chiến đánh địch, giành nhiều thắng lợi to lớn. Tính chung trong năm 1967, toàn tỉnh đã tiến hành hàng ngàn trận đánh lớn và nhỏ, tiêu diệt hơn 5.000 tên địch, làm rã ngũ gần 3.000 tên, bắn hỏng 105 xe quân sự, 18 tàu chiến, tiêu diệt 33 đồn, 20 lô cốt, bức rút 4 đồn, thu trên 800 khẩu súng các loại.

Đặc biệt, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một minh chứng cho sự phát triển cao quá trình kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự, giữa tiến công và nổi dậy, trong đó mũi tiến công quân sự giữ vai trò quyết định. Ở Trà Vinh, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và trực tiếp là Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đáng, các lực lượng vũ trang của ta tấn công mạnh mẽ vào thị xã Trà Vinh, đồng loạt với cả miền Nam, phong trào đấu tranh giải phóng vùng nông thôn phát triển mạnh, 3/4 dân số và đất đai trong tỉnh được giải phóng mà lực lượng vũ trang ít bị tổn thất nhất. Có thể nói, khí thế Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt, mạnh mẽ ở Trà Vinh trong Xuân Mậu Thân 1968 khẳng định vai trò lãnh đạo của Tỉnh uỷ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đáng, đánh dấu sự trưởng thành nhiều mặt của Đảng bộ, các lực lượng vũ trang nhân dân và đồng bào các dân tộc trong tỉnh, góp phần xứng đáng vào chiến công chung của quân, dân toàn Miền.

Với những thành tích to lớn đó, quân dân tỉnh Trà Vinh được Trung ương Đảng tặng thưởng Ngọn cờ đầu toàn miền Tây với Huân chương Thành đồng hạng Nhất và lá cờ mang danh hiệu vẻ vang với tám chữ vàng “Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công”.

Về mặt chiến lược, quân và dân Trà Vinh cùng quân và dân miền Nam đã giáng một đòn mạnh mẽ vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ; chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bị phá sản, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán với ta và rút dần quân viễn chinh cùng lực lượng đồng minh của Mỹ về nước. Song, với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, đế quốc Mỹ tiếp tục theo đuổi chiến tranh ở Việt Nam với chiến lược mới “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Tình hình cách mạng ở Trà Vinh lúc bấy giờ đặt trước những thử thách mới, gay go, phức tạp và ác liệt hơn. Tỉnh ủy Trà Vinh do đồng chí Nguyễn Đáng là Bí thư, với quyết tâm sắt đá, không khuất phục trước kẻ thù, đã đoàn kết và thống nhất ý chí hành động, lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân và Nhân dân Trà Vinh phát huy khí thế tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, kiên quyết bám trụ, giữ đất, bảo vệ vùng căn cứ kháng chiến, phát triển lõm căn cứ kháng chiến, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn thử thách, gian nguy, từng bước phá tan ý đồ thí điểm kế hoạch bình định cấp tốc của Mỹ - Ngụy trên đất Trà Vinh. Trong đó có chiến tranh du kích và ba mũi giáp công trên toàn tỉnh để chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch mùa khô 1969 - 1970.

III. THAM GIA KHU UỶ KHU 9, LÃNH ĐẠO CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN KHU TÂY NAM BỘ (1971 - 1975); CÙNG TỈNH UỶ LONG CHÂU HÀ  VÀ TỈNH UỶ AN GIANG KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH (1975 - 1976)

Tháng 8 năm 1968, đồng chí Nguyễn Đáng được đề bạt là Khu ủy viên chính thức Khu ủy Tây Nam Bộ, phụ trách Trưởng Phân ban Vĩnh Long - Trà Vinh và được Khu ủy tín nhiệm, phân công đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Binh vận Khu 9 (năm 1974).

Thực hiện quyết tâm của Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 9, đồng chí Nguyễn Đáng đã cùng Khu ủy và các Tỉnh ủy lãnh đạo quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long kiên cường bám trụ, nổi dậy phá các đồn bót và sự kìm kẹp của bọn ác ôn; liên tục chủ động tiến công quân địch, giành nhiều thắng lợi trong chiến dịch mùa khô 1973 - 1974, Quân khu 9 đã loại khỏi vòng chiến đấu 22.000 tên địch, diệt 61 đồn bót, giải phóng 254 ấp, 12 xã. Thắng lợi của quân và dân Tây Nam Bộ trong năm 1974, với sự góp sức của đồng chí Nguyễn Đáng đã làm chuyển biến rõ rệt thế và lực của ta trên chiến trường. Các lực lượng vũ trang được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Các chi bộ ở nông thôn đã nắm chắc lực lượng du kích, chính trị, binh vận, phát động quần chúng nhân dân nổi dậy bao vây đồn bót, phá rã, phá lỏng bộ máy chính quyền của địch, đẩy địch vào thế co cụm, bị động, tạo cho ta thế mới, lực mới để bước vào giai đoạn giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ngày 26/4/1975, ta mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chấp hành mệnh lệnh của Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 phát động một cao trào tiến công mạnh mẽ, đều khắp tất cả huyện, xã với khí thế kết hợp giữa tổng tiến công của lực lượng vũ trang và nổi dậy của quần chúng để tự giải phóng địa phương. Lúc bấy giờ, đồng chí Nguyễn Đáng là Phó Tư lệnh Mặt trận miền Tây Nam Bộ, kiêm Trưởng ban Binh vận khu, kiêm Phó Chính ủy Ban chỉ huy tiền phương Quân khu, phụ trách giải phóng trọng điểm khu vực Vòng Cung Cần Thơ và Thành phố Cần Thơ; Khu ủy phân công chịu trách nhiệm tổ chức và xây dựng một trong ba lực lượng chiến lược (vũ trang, chính trị và binh vận) của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy.

Cùng với quân dân miền Nam, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy, trong đó có sự chỉ đạo trực tiếp, kiên quyết, kịp thời của đồng chí Nguyễn Đáng, quân dân Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp chặt chẽ với các đòn quân sự then chốt là các cuộc tiến công và nổi dậy của quân dân các địa phương khắp chiến trường, theo phương thức xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh đã giành được thắng lợi cuối cùng. Đến ngày 02/5/1975, miền Nam nước ta hoàn toàn giải phóng.

Sau khi tiếp quản Long Xuyên (khoảng tháng 5/1975), đồng chí Nguyễn Đáng được khu ủy chỉ định ở lại làm Bí thư Tỉnh ủy Long Châu Hà.  Khi có Nghị quyết số 245-NQ/TW, ngày 20/9/1975 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 19/NQ, ngày 20/12/1975 của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh, hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam, tỉnh An Giang được thành lập bao gồm tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc cũ dưới thời Pháp thuộc (trừ huyện Thốt Nốt). Tỉnh An Giang lúc này có 8 quận, 84 xã, đồng chí Nguyễn Đáng giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang.

Chương III: THAM GIA LÃNH ĐẠO KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH; XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC (5/1975 – 4/1984)

Cuối năm 1976, theo sự phân công của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Đáng về công tác tại tỉnh Cửu Long. Liên tục trong ba nhiệm kỳ Đại hội tỉnh Đảng bộ Cửu Long (I, II, III), đồng chí đều được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy và giữ chức vụ này cho đến khi qua đời (4/1984). Trong giai đoạn 1977 - 1984, đồng chí Nguyễn Đáng hoàn thành xuất sắc trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Trong thời gian là Bí thư Tỉnh ủy, cùng với Đảng bộ tỉnh Cửu Long, đồng chí Nguyễn Đáng đã lãnh đạo Nhân dân khắc phục khó khăn, vượt qua biết bao thách thức; vừa bảo vệ chính quyền đập tan bọn phản động cách mạng, vừa ra sức khắc phục hậu quả chiến tranh, cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa đạt nhiều thành tựu quan trọng. Là một tỉnh thuộc châu thổ sông Mê Kông, Cửu Long có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Từ Nghị quyết Đại hội lần thứ I đến Đại hội lần thứ III, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, sâu sát của đồng chí Nguyễn Đáng, Tỉnh ủy Cửu Long đều  khẳng định, nông nghiệp là thế mạnh kinh tế chủ yếu của tỉnh, phải đưa nông nghiệp phát triển toàn diện; từng bước đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa mà trọng tâm là sản xuất lương thực và thực phẩm… lấy thủy lợi làm biện  pháp hàng đầu, tạo điều kiện tốt nhất để đi vào thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Đáng, phong trào cách mạng tỉnh Cửu Long những năm đầu sau giải phóng từng bước tiến lên toàn diện, vững chắc.

Thực hiện đường lối chung của nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, thứ V, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các nghị quyết lần thứ I, II, III của Đại hội tỉnh Đảng bộ, từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất đến năm 1984, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy Cửu Long do đồng chí Nguyễn Đáng đứng đầu, hệ thống chính trị của tỉnh đã từng bước được củng cố và phát triển qua từng giai đoạn. Sự lớn mạnh không ngừng của hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đã đóng vai trò rất quan trọng trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành mọi lĩnh vực của đời sống xã hội: khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa - xã hội, ổn định và cải thiện đời sống Nhân dân, củng cố khối đoàn kết Kinh - Khmer ngày càng gắn bó, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, nâng cao nếp sống văn minh, lành mạnh, kiện toàn giữ vững nền chuyên chính vô sản, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng vững mạnh, củng cố an ninh quốc phòng, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, vừa hoàn thành vượt mức kế hoạch, nghĩa vụ với trung ương vừa làm tốt nghĩa vụ quốc tế đối với nước bạn Campuchia - tỉnh Kampong Speu kết nghĩa.

Những năm sau giải phóng là giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh, kinh tế phát triển theo mô hình kế hoạch hóa tập trung, bao cấp. Trong những năm đầu sau giải phóng, Cửu Long cùng với cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng chí Nguyễn  Đáng cùng Tỉnh ủy Cửu Long đã lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, toàn quân, toàn dân trong tỉnh tiếp tục nêu cao chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, từng bước xây dựng quan hệ sản xuất mới và cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.                                            

Chương IV: TẤM GƯƠNG CỦA NGƯỜI CỘNG SẢN TRUNG KIÊN, MẪU MỰC, SUỐT ĐỜI VÌ ĐẢNG, VÌ DÂN

I. NHỮNG PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN ĐÁNG

1. Trọng dân, gần dân, hiểu dân và thương dân.

2. Người cán bộ trung kiên, năng động, có trách nhiệm cao trong công việc.

3. Chú trọng đào tạo và sử dụng nhân tài.

4. Người cán bộ đôn hậu, nhân ái, lạc quan.

5. Là trung tâm đoàn kết của Đảng bộ và quân, dân trong tỉnh.

6. Người lãnh đạo công tâm, chính trực được đồng chí, đồng đội và Nhân dân tin yêu, kính trọng.

II. NHỮNG KINH NGHIỆM QUÝ BÁU CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN ĐÁNG ĐỂ LẠI CHO ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

1. Nắm vững quan điểm “Dân là gốc”, luôn chăm lo quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.

2. Nắm vững chủ trương, đường lối của cấp trên, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện cụ thể của địa phương, không rập khuôn, máy móc.

3. Xây dựng khối đoàn kết trong Đảng bộ, làm cơ sở xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, đoàn kết lương – giáo.

4. Không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao lập trường chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.