Tọa đàm “Xây dựng chuỗi giá trị ngành và sản phẩm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”
Lượt xem: 2928
Chiều ngày 29/9, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đại học Quốc Gia TP.HCM tổ chức tọa đàm trực tuyến “Xây dựng chuỗi giá trị ngành và sản phẩm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng chủ trì tọa đàm có PGS.TS. Vũ Hải Quân - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG-HCM; TS. Nguyễn Thành Phong - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Buổi tọa đàm được tổ chức bằng hình thức trực tuyến

Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, hiệp hội, đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo TP.HCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện và đại diện các sở, ngành liên quan.

Cùng với tọa đàm “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” đã được tổ chức vào sáng cùng ngày, buổi tọa đàm này được tổ chức với mục tiêu tổng kết thực tiễn từ các kết quả nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ sự phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ giai đoạn 2014 – 2020, góp phần làm sâu sắc thêm cơ sở lý luận khoa học và thực tiễn, bài học kinh nghiệm từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã triển khai tại vùng ĐBSCL. Từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp phát triển bền vững vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Những ý kiến và tham luận trong tọa đàm sẽ là cơ sở lý luận và thực tiễn để phục vụ Đề án tổng kết Nghị quyết 21 của BCH Trung ương và xây dựng chiến lược xây dựng, phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu được nghe nhiều tham luận: Ngành hàng nuôi tôm nước lợ - Thực trạng và đề xuất giải pháp cho sự phát triển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thực trạng chuỗi giá trị tôm tỉnh Cà Mau, đề xuất, kiến nghị; Đẩy mạnh mô hình liên kết: “Nhà nước – Nhà khoa học – Doanh nghiệp” nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; Báo cáo của ĐHQG-HCM về xây dựng chuỗi giá trị ngành và sản phẩm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề để thảo luận như: định hướng phát triển ĐBSCL một cách tổng thể và thống nhất; khó khăn trong xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng cá tra; giải pháp tận dụng phụ phẩm từ ngành tôm; nâng cấp giá trị cho các nông sản ĐBSCL, giải pháp đầu tư các công nghệ lõi và ứng dụng vào nông nghiệp hiệu quả…

Kết luận buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Thành Phong - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã gửi lời cám ơn đến các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã tham gia đóng góp nhiều tham luận, ý kiến quý báu làm cơ sở cho báo cáo tổng kết Nghị quyết 21 của BCH Trung ương. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản để đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Thời gian gần đây, nhiều nơi đã hình thành các mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế - xã hội và môi trường, đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững của ĐBSCL. Qua đó cho thấy rõ vai trò quan trọng của các doanh nghiệp và hiệp hội danh nghiệp. Tới đây, ĐBSCL cần nhận diện rõ những thách thức phải đối mặt từ biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy, từ nội tại và tiến tới thay thế những cơ chế quản lý phân tán bằng cơ chế quản trị toàn vùng một cách thống nhất và toàn diện./.

P.A

Tin khác