Ngũ Lạc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân
Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Những năm gần đây, nông dân xã Ngũ Lạc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững gắn với những tiềm năng, lợi thế từng vùng của địa phương. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu có giá trị kinh tế cao

    Ngũ Lạc là một địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, những năm gần đây, cấp uỷ, chính quyền trong xã đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác từng vùng của địa phương. Trong đó, tập trung tuyên truyền người dân đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa, đất giồng tạp, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, cây ăn trái, trồng cỏ nuôi bò có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, khuyến khích vận động người dân chọn các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng hiệu quả cao; đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

    Gia đình anh Kim Thùng, ngụ ấp Bổn Thanh, xã Ngũ Lạc là một trong hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng màu. Được biết, gia đình anh có 0,3 ha đất lúa sau nhiều năm canh tác hiệu quả kinh tế không cao, hàng năm chỉ sản xuất được 02 vụ lúa, năng suất đạt thấp. Từ năm 2015 đến nay, gia đình chuyển sang trồng màu, chủ yếu trồng các loại rau màu như ớt sừng vàng, ớt chỉ thiên, cà chua, đậu bắp, hành sẩy, rau ăn lá các loại… đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bình quân hàng năm gia đình thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng.

    Anh Kim Thùng chia sẻ nói: Vùng đất nơi đây thuộc đất giồng cát pha, sản xuất lúa năng suất bấp bênh, vừa qua xã vận động thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, gia đình tôi chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu. Vụ màu vừa qua gia đình tôi trồng ớt và hành sẩy, sau khi trừ chi phí lợi nhuận hơn 30 triệu đồng.

Cải tạo vườn tạp sang trồng mít Thái, xen trồng cỏ nuôi bò mang lại giá trị kinh tế ổn định

    Còn gia đình bà Trần Thị Sen, ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc, có gần 0,2 ha đất vườn tạp chủ yếu là cây tre và nhiều loại cây tạp khác. Năm 2020, nhờ được cấp uỷ, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi vườn tạp sang trồng các loại rau màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Nhận thấy đều đó, gia đình bà mạnh dạn cải tạo đất vườn tạp chuyển sang trồng hơn 100 gốc mít Thái. Sau thời gian hơn 02 năm trồng và chăm sóc, đến nay vườn mít Thái của gia đình cho thu hoạch, mỗi cây cho năng suất trái từ 10 - 20 kg, với giá bán 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận hơn 10 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn tận dụng các khoảng đất trống để trồng xen cỏ làm thức ăn cho bò, đến nay đàn bò của gia đình đã phát triển tăng lên 06 con. Từ việc cải tạo vườn tạp sang trồng mít Thái kết hợp với trồng cỏ nuôi bò, nên đời sống của gia đình ngày càng khá giả hơn.

    Bà Trần Thị Sen chia sẻ: Sau khi cải tạo đất vườn tạp sang trồng mít Thái thấy hiệu quả kinh tế tăng lên. Vụ trái vừa rồi, gia đình thu hoạch được hơn 500 kg mít, cũng thu lợi nhuận hơn 10 triệu đồng. Hiện cây mít đang trong giai đoạn cho trái, bình quân mỗi năm ước đạt từ 10 - 20 kg trên cây. Nhờ vậy, mà gia đình có nguồn thu nhập ổn định.

    Năm 2022, toàn xã chuyển đổi hơn 500 ha đất lúa, đất giồng tạp, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái, trồng cỏ nuôi bò, đạt trên 100% kế hoạch; trong đó, chuyển đổi sang trồng màu 495 ha; trồng dừa 02 ha; cây ăn trái 03 ha; trồng cỏ làm thức ăn nuôi bò 08 ha… Nhìn chung, các mô hình đều phát huy hiệu quả, có những mô hình lợi nhuận đến hàng trăm triệu đồng, thu nhập bình quân năm 2022 đạt 54,82 triệu đồng/người/năm.

    Ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Lạc cho biết: Xã tập trung thực hiện các giải pháp như rà soát, thống kê diện tích đất sản xuất kém hiệu quả để bổ sung vào quy hoạch chuyển đổi; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, khuyến khích người dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng những loại giống cây trồng mới có năng suất hiệu quả cao hơn; khuyến khích thành lập nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã để phát triển các vùng sản xuất có liên kết, thuận lợi trong việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung… Đồng thời, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đưa cây trồng có năng suất cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của người dân.

    Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn gặp phải một số khó khăn, như giá một số sản phẩm nông nghiệp thiếu tính ổn định, trong khi giá vật tư đầu vào cho sản xuất ngày càng cao, thiếu lao động. Ngoài ra, tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian qua chuyển dịch còn chậm, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của xã. Hình thức tăng trưởng nông nghiệp mới chỉ tạo ra khối lượng nhiều nhưng chất lượng, giá trị một số sản phẩm chưa cao; hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên còn hạn chế; thu nhập của đại bộ phận nông dân và những người làm nông nghiệp còn thấp. Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất thực hiện còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu ổn định, hình thức liên kết trong sản xuất chưa bền vững.

    Để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, trong thời gian tới, xã Ngũ Lạc tiếp tục thực hiện tốt tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh. Để đạt kết quả đó, xã tăng cường tuyên truyền sâu rộng nội dung Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tạo đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở và cộng đồng dân cư nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất theo hướng hàng hoá; liên kết hàng hoá trong sản xuất và xã hội hoá đầu tư, đảm bảo tính bền vững. Thực hiện tốt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt, đồng thời ra soát điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phù hợp, trên cơ sở lợi thế sản phẩm của địa phương, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng giữa các doanh nghiệp với nông dân. Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp./.

                                                                                                                                               Bài, ảnh: Ni Rượng

 

Bản đồ hành chính




Thống kê truy cập
  • Đang online: 15
  • Hôm nay: 459
  • Trong tuần: 32 686
  • Tất cả: 4657528
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN DUYÊN HẢI
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Duyên Hải - Ấp Mé Láng, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Phạm Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải - Trưởng ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Nguyễn Tấn Lộc - Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện - Phó Trưởng ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3738345 Email: trangthongtindh@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Duyên Hải" khi phát hành lại thông tin từ website này.