Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa Hè Thu
Sau khi thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, nông dân huyện Duyên Hải đã bắt tay vào sản xuất vụ lúa Hè Thu năm 2022.  Theo kế hoạch, vụ sản xuất nầy huyện xuống giống trên diện tích hơn 2.700 ha. Đây là vụ lúa dự báo đối mặt với nhiều khó khăn do thời tiết thường diễn biến bất lợi và giá nhiều loại vật tư đầu vào đang ở mức cao.

Cánh đồng lúa sau khi gieo sạ ấp Bào Môn, xã Đôn Châu

     Sản xuất vụ Hè Thu thường rơi vào các tháng cao điểm nắng nóng nên chi phí bơm tưới tăng cao. Thời điểm thu hoạch lúa thường bước vào mùa mưa lại thêm nhiều khó khăn. Với điều kiện thời tiết diễn biến bất lợi ruộng lúa cũng dễ đối mặt với nguy cơ bùng phát cỏ dại cùng với sự xuất hiện gây hại của nhiều loại sâu bệnh, dịch hại. Bên cạnh đó, nông dân phải tốn nhiều công chăm sóc bơm tưới nước và bón phân cho lúa nên chi phí sản xuất tăng cao. Nông dân bước vào vụ sản xuất vụ Hè Thu năm nay với nhiều nỗi lo.

     Anh Lâm Thanh Hùng, ấp Bào Môn, xã Đôn Châu cho biết: Sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân, gia đình anh đã vệ sinh đồng ruộng và gieo sạ vụ Hè Thu hơn 3 ha. Tuy nhiên, năm nay anh không trông mong nhiều do giá bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu tăng cao nên vụ Hè Thu này chắc khó có lời so với những năm trước.

     Trước nhiều yếu tố bất lợi cho sản xuất vụ Hè Thu này, ngành Nông nghiệp huyện và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giúp nông dân ứng phó hiệu quả và giảm tối đa các chi phí đầu vào. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo bà con nông dân nên tuân thủ đúng lịch thời vụ xuống giống chung của toàn huyện. Theo đó, lịch xuống giống vụ Hè Thu năm 2022 bắt đầu từ ngày 01/5 đến ngày 31/5, đến nay hầu hết bà con nông dân đã xuống giống dứt điểm lúa Hè Thu. Để đảm bảo vụ lúa Hè Thu đạt năng suất, khuyến cáo người dân sử dụng các giống lúa chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, mặn phèn như các loại giống được khuyến cáo là OM5451; OM 6162; OM 18; Đài thơm 8; siêu OM576.

     Ông Trần Quốc Đoàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo, nông dân cần đẩy mạnh các chương trình 1 phải, 5 giảm; 1 phải tức là phải sử dụng giống lúa xác nhận để đảm bảo được năng suất và chất lượng; 5 giảm là gồm giảm lượng giống gieo sạ, khuyến cáo từ 80 - 100 kg/ha, giảm lượng phân đạm, bón thừa bón phân cân đối để giảm chi phí. Đồng thời, giảm áp lực sâu bệnh tấn công, giảm nước tưới và số lần bơm tưới; chỉ duy trì mực nước trong ruộng từ 3 - 5 cm, khi bón phân và cần siết nước giữa vụ đến khi mực nước dưới 15 cm thì quyết định bơm; giảm thất thoát sau thu hoạch bằng cách thu hoạch bằng máy. Bên cạnh đó, cần phải theo dõi rầy nâu và muỗi hành vào đèn để dự báo kịp thời để nông dân có hướng chủ động phòng trừ hiệu quả; khuyến khích bà con nông dân trồng lúa kết hợp với mô hình công nghệ sinh thái để giảm sâu hại tấn công lúa và bao tiêu với doanh nghiệp, thương lái để đảm bảo đầu ra sản phẩm./.

                                                                                                                                                                Tin, ảnh: Ni Rượng

 

Bản đồ hành chính




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 16
  • Trong tuần: 2 292
  • Tất cả: 4685330
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN DUYÊN HẢI
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Duyên Hải - Ấp Mé Láng, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Phạm Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải - Trưởng ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Nguyễn Tấn Lộc - Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện - Phó Trưởng ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3738345 Email: trangthongtindh@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Duyên Hải" khi phát hành lại thông tin từ website này.