Duyên Hải xác định nông nghiệp là động lực phát triển kinh tế, xã hội
Nông nghiệp được xác định là lĩnh vực kinh tế quan trọng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện Duyên Hải. Tỷ trọng nông nghiệp chiếm 57,09% trong cơ cấu kinh tế chung của huyện. Bình quân giá trị sản xuất thủy sản đạt 195 triệu đồng/ha/năm, nông nghiệp đạt 114 triệu đồng/ha/năm. Nhiều mô hình chuyển đổi như: trồng rau an toàn trong nhà lưới; nuôi vọp, sò huyết trên đất bãi bồi ven sông; chăn nuôi bò, dê theo hình thức bán chăn thả kết hợp nuôi vỗ béo; chuyển đổi từ hình thức nuôi tôm quãng canh cải tiến sang nuôi tôm thâm canh, đặc biệt là nuôi trôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao được mở rộng diện tích,…đã tăng thu nhập đáng kể cho nông dân.

Nông dân xã Đôn Châu chăm sóc lúa hè - thu

    Tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng kinh tế nông nghiệp của huyện Duyên Hải chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún ở dạng quy mô hộ gia đình; doanh nghiệp đầu tư vào lãnh vực nông nghiệp tại địa phương rất ít; các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa mang lại hiệu quả cao; khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao chưa được ứng dụng phổ biến; các đối tượng nuôi chủ lực chưa được chú trọng đầu tư xây dựng; chương trình “mỗi xã một sản phẩm” triển khai thực hiện chưa tốt; năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và ứng phó thiên tai chưa được quan tâm đúng mức; ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp còn xảy ra,…

Trồng thử nghiệm giống nho tươi ăn trái tại xã Đôn Xuân

    Để phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp định hướng quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025, theo tinh thần Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra. Theo đó, phát triển kinh tế nông nghiệp là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là quá trình thường xuyên liên tục, lâu dài. Do đó, cần tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển sản phẩm tiềm năng, thế mạnh gắn với liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm; chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa ổn định, tập trung quy mô lớn; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo cho sự phát triển nông nghiệp bền vững. Phát triển kinh tế nông nghiệp phải gắn với tổ chức lại sản xuất, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế nông nghiệp. Trên cơ sở triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cải thiện thu nhập và nâng cao mức sống nông dân nông thôn.

Nông dân xã Ngũ Lạc thu hoạch ớt

    Với mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân lĩnh vực ngư – nông – lâm nghiệp đạt 7,6%/năm; Tỷ trọng chiếm 47,96% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Giá trị sản xuất thủy sản đạt 335 triệu đồng/ha; Giá trị sản xuất 01 ha đất lúa đạt 150 triệu đồng, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt từ 300 triệu đồng/ha. Tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 35%, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 50%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt từ 60% trở lên.

    Để đạt được các mục tiêu đề ra, huyện Duyên Hải cần phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp phù hợp cả 3 vùng sinh thái mặn, lợ, ngọt. Tập trung xây dựng chuỗi sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, với 05 sản phẩm chủ yếu của huyện là, tôm sú, tôm thẻ, bò, dê, đậu phộng và rau màu, gắn với chương trình mỗi xã 01 sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

    Lĩnh vực nông nghiệp, giữ vững ổn định diện tích đất lúa 2.700 ha, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa hợp lý; mở rộng diện tích trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây hàng năm phù hợp điều kiện sản xuất từng vùng, tập trung mạnh đưa cây màu luân canh trên đất lúa, đẩy mạnh phát triển các loại màu chủ lực thành các vùng sản xuất tập trung; tạo sự chuyển biến trong nhận thức nông dân từ tập quá sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị với cơ cấu cây trồng, con nuôi hợp lý, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn dịch bệnh,vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến năm 2025 không còn sản xuất lúa vụ 03, chuyển sang sản xuất 02 vụ lúa và ít nhất 01 vụ màu. Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa – màu. Triển khai các giải pháp tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung đối với heo, gia cầm, lai tạo những giống mới. Phấn đấu đến năm 2022 hoàn thành khu giết mổ động vật trên cạn tập trung tại xã Ngũ Lạc.

Mô hình nuôi tôm thâm canh mật độ cao

    Lĩnh vực thủy sản, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển nuôi thủy sản theo hướng thâm canh hóa, kết hợp ứng dụng công nghệ cao đối với một số đối tượng chủ lực, có giá trị kinh tế cao ở cả 03 vùng sinh thái mặn, lợ, ngọt. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích mặt nước nuôi thủy sản 9.200 ha; trong đó: nuôi tôm thâm canh 1.200 ha, thâm canh mật độ cao 400 ha; nuôi thủy sản kết hợp trồng rừng 8.000 ha; xây dựng dự án sử dụng đất bãi bồi ven biển, ven sông để nuôi một số loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế, gắn với Đề án phát triển du lịch sinh thái. Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp và điều chỉnh năng lực tàu cá khai thác thủy sản vùng gần bờ, hướng tới mục tiêu khai thác vùng lộng, vùng khơi nhằm bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

    Tăng cường quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả rừng phòng hộ, chú trọng trồng rừng ven biển, ven sông để phòng, chống sạt, lỡ và phát huy tối đa hiệu quả chức năng phòng hộ, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giảm thiểu tác hại do thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Khuyến khích nhân dân phát triển mô hình nông, lâm, ngư kết hợp, xây dựng mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng.

    Với nhiều giải pháp đồng bộ tạo nhiều thuận lợi đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, từ việc đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; triển khai thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Từ đó hình thành, phát triển các vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung với cơ cấu sản xuất hiệu quả, đáp ứng mục tiêu có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ và có hiệu quả cao, góp phần nâng cao đời sống của người dân nông thôn./. 

 

                                                                                                                                     Bài, ảnh: MINH ĐÔNG

 

Bản đồ hành chính




Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 38
  • Trong tuần: 2 379
  • Tất cả: 4685143
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN DUYÊN HẢI
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Duyên Hải - Ấp Mé Láng, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Phạm Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải - Trưởng ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Nguyễn Tấn Lộc - Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện - Phó Trưởng ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3738345 Email: trangthongtindh@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Duyên Hải" khi phát hành lại thông tin từ website này.