Duyên Hải quyết tâm xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Duyên Hải lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2023. Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện, cả hệ thống chính trị, nhân dân trong huyện sẵn sàng bắt tay “vào cuộc”.

Duyên Hải quyết tâm xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới

     Nhìn lại giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong điều kiện hầu hết các xã thuộc diện xã có kinh tế - xã hội khó khăn, chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới. Với sự nổ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và tranh thủ các nguồn lực đầu tư của Trung ương, địa phương, kết quả đến cuối năm 2020, huyện có 17.704 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, nông thôn mới (chiếm 92,5%); 39/54 ấp được công nhận ấp văn hóa, nông thôn mới (chiếm 72,22%); 13.932 hộ sử dụng nước sạch, chiếm 72,48%; 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; 3/6 xã Đông Hải, Long Vĩnh, Long Khánh được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Long Vĩnh đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao), xã Ngũ Lạc đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Đối với huyện đánh giá đạt 05/9 tiêu chí theo Thông tư số 35/2016, ngày 26/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bao gồm: tiêu chí về thủy lợi, điện, môi trường, tiêu chí về chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, về An ninh, trật tự xã hội; còn lại 04 tiêu chí chưa đạt gồm: Tiêu chí Quy hoạch (đang lập đồ án quy hoạch); Tiêu chí Giao thông; Tiêu chí Y tế - Văn hóa - Giáo dục; Tiêu chí Sản xuất.

    Từ kết quả thực hiện Chương trình, diện mạo nông thôn của huyện đã có sự thay đổi tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ ổn định. Trong thời gian tới khi Khu kinh tế Định An được triển khai các hạng mục, công trình thiết yếu thu hút đầu tư, các dự án điện gió được triển khai, Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu phát huy hiệu quả sẽ là động lực để huyện thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần sớm xây dựng thành công huyện nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025.

Tuyến Quốc lộ 53 đến trung tâm hành chính Thị trấn Long Thành vào dịp lễ

     Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Duyên Hải lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2023. Huyện Duyên Hải đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung triển khai và thực hiện: Ban Chỉ đạo các cấp thường xuyên rà soát, củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy Ban Chỉ đạo, Ban quản lý, Ban Phát triển ấp đảm bảo cơ cấu, thành phần thực hiện nhiệm vụ hiệu quả nội dung Chương trình, nhất là sự phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo, Sở, ngành tỉnh, Văn phòng Điều phối tỉnh trong việc chỉ đạo, thực hiện Chương trình;  Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham mưu thực hiện Chương trình; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan trong tham gia thực hiện các phần việc, tiêu chí nông thôn mới được giao phụ trách; lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động thực hiện Chương trình đảm bảo đồng bộ, thông suốt. Tiếp tục phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nội dung, kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, tập trung từng chuyên đề, phần việc, hạng mục công trình thực hiện, đảm bảo mọi người dân trong vùng hưởng lợi được biết, để huy động nhân dân đóng góp công sức cùng chung tay xây dựng nông thôn mới; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội chú trọng thực hiện tốt các quy chế phối hợp, chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia các phong trào xây dựng, nâng chất các tiêu chí nông thôn mới;...

    Tiếp tục tổ chức lại sản xuất gắn với nhiệm vụ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bằng những giải pháp, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung phát triển nuôi tôm nước lợ thâm canh mật độ cao tại các xã Long Vĩnh, Long Khánh, Đông Hải xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Đôn Xuân, Đôn Châu và Ngũ Lạc, nhằm nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các loại hình kinh tế tập thể, Tổ hợp tác, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; từng bước chuyển đổi hình thức Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất kinh doanh theo mô hình kiểu mới, trong đó chú trọng phát triển liên doanh, liên kết hỗ trợ sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hàng hóa lớn thông qua các hợp đồng hợp tác và hợp đồng kinh tế; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) nhằm phát huy nội lực và gia tăng giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương…

    Các ngành Nông nghiệp, Kinh tế - Hạ tầng, chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức kinh tế xây dựng các mô hình nông nghiệp, thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu theo định hướng nông nghiệp công nghệ cao và triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực tế trên địa bàn huyện, nhằm kích thích các thành phần kinh tế, nhân dân địa phương phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện.

    Phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa phương đối với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.     Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đảm bảo thực hiện đạt các tiêu chí xây dựng xã, huyện nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và định hướng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.     Tranh thủ mọi nguồn lực, xây dựng lộ trình từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông các xã đảo để khai thác tiềm năng kinh tế biển, phát triển các loại hình du lịch và kết nối liên thông với Trung tâm hành chính huyện, tháo gở điểm nghẽn về hạ tầng giao thông để các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cùng phát triển trong Khu kinh tế Định An; nâng cấp, mở rộng một số tuyến giao thông trục chính nội đồng các xã Ngũ Lạc, Đôn Châu, Đôn Xuân kết nối ra tỉnh lộ 914 để khai thác tiềm năng và xây dựng các khu sản suất nông nghiệp chuyên canh theo chuổi giá trị.

   Tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ Trung ương, địa phương triển khai có hiệu quả các chính sách kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào huyện, nhằm khai thác tốt tiềm năng lợi thế trong khu kinh tế Định An, dự án điện gió, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền tại xã Đông Hải, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, nâng cao năng lực kiểm soát phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo cấp, thoát nước cho sản xuất thủy sản ở các xã ven biển, ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp các xã Ngũ Lạc, Đôn Châu, Đôn Xuân.

   Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, cùng chăm lo phát triển hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng chất các tiêu chí nông thôn mới. Tăng cường phối hợp triển khai hoạt động đào tạo, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và tiêu chí huyện nông thôn mới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình.

   Trong các giải pháp thì giải pháp hàng đầu của Ban chỉ đạo huyện là công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Duyên Hải chung sức xây dựng nông thôn mới"; gắn phong trào thi đua tiếp tục đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và các phong trào thi đua khác trên địa bàn. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới thiết thực, hiệu quả. Kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới của từng đơn vị, cá nhân là một chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá thi đua và khen thưởng hàng năm.

    Bên cạnh đó, huyện xác định nhiệm vụ quan trọng khác là phải xây dựng được nguồn nhân lực, bố trí cán bộ giỏi về chuyên môn, năng lực đáp ứng yêu cầu trong xây dựng nông thôn mới; tranh thủ các nguồn lực thực hiện xây dựng nông thôn mới với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” mà chủ thể quan trọng là Nhân dân làm - Nhà nước hỗ trợ; tập trung chỉ đạo sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất...

    Mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2023 đối với huyện Duyên Hải vừa là cơ hội song cũng có rất nhiều thách thức, khối lượng công việc thực hiện là rất lớn, vì vậy cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân./.           

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                   Bài, ảnh: An Trường       

 

 

Bản đồ hành chính




Thống kê truy cập
  • Đang online: 69
  • Hôm nay: 1035
  • Trong tuần: 33 262
  • Tất cả: 4658104
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN DUYÊN HẢI
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Duyên Hải - Ấp Mé Láng, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Phạm Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải - Trưởng ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Nguyễn Tấn Lộc - Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện - Phó Trưởng ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3738345 Email: trangthongtindh@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Duyên Hải" khi phát hành lại thông tin từ website này.