Duyên Hải ghi nhận nhiều ca bệnh sốt xuất huyết
06/07/2022
Theo nhận định của Trung tâm Y tế huyện Duyên Hải, vì đang vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển và có nguy cơ truyền bệnh sốt xuất huyết là rất cao. Do đó, ngành Y tế huyện đang tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh nguy hiểm này. Biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết hữu hiệu là diệt lăng quăng.
Phun thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết
Tính đến đầu tháng 7 năm 2022, trên địa bàn huyện đã có 18 cas mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 12 cas so với cùng kỳ năm 2021 và hình thành 12 ổ dịch nằm rải rác ở các xã, thị trấn; trong đó, thị trấn Long Thành phát hiện 04 ổ dịch; xã Ngũ Lạc 03 ổ dịch; Long Khánh 02 ổ dịch; các xã Long Vĩnh, Đông Hải, Đôn Châu 01 ổ dịch. Ngoài ra, qua kiểm tra thực tế tại các hộ gia đình cho thấy mật độ muỗi còn nhiều, các dụng cụ chứa nước vẫn còn lăng quăng và thực hiện chưa tốt vệ sinh môi trường xung quanh, đó là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh sốt xuất huyết lưu hành quanh năm.
Ông Nguyễn Văn Nĩ - Trưởng Trạm Y tế xã Ngũ Lạc cho biết: Giải pháp hiện nay là huy động toàn bộ lực lượng công tác viên, tổ y tế và ban ngành đoàn thể phối hợp tốt để diệt lăng quăng để phòng chống bệnh sốt xuất huyết và virus Zika, xuống tận hộ gia đình tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết cũng như hướng dẫn cọ rửa, quét dọn xung quanh nhà, thả cá hoặc nấu nước sôi để vào lu khi có lăng quăng để diệt lăng quăng.
Ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết
Bà Nguyễn Thị Kim Châu, ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc chia sẻ: Để phòng trách bệnh sốt xuất huyết, gia đình thường xuyên dọn dẹp môi trường xung quanh, cọ rửa lu không cho muỗi đẻ trứng bám vào, ngủ thì phải giăng mùng, mặc áo dài tay cho trẻ con.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Triệu - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Duyên Hải cho biết: Thời gian tới Trung tâm Y tế huyện tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch, giám sát các ổ dịch cũ, thành lập các đội dập dịch cơ động, thực hiện phun hóa chất kịp thời tại các ổ dịch khi phát hiện. Ngoài ra, kết hợp triển khai các hoạt động phòng chống ngoài cộng đồng, đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền vận động từng hộ dân trong nâng cao kiến thức về bệnh sốt xuất huyết nói chung và các biện pháp phòng, chống cho cộng đồng.
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh lây truyền qua muỗi vằn đốt người bệnh mang virus truyền sang người lành. Do vậy, ngoài sự nổ lực của ngành Y tế và các địa phương trong công tác, phòng chống căn bệnh nguy hiểm này thì mọi người dân cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tại gia đình góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan./.
Bài, ảnh: Ni Rượng