KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ XÃ HỘI
I. KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
1. Điều kiện tự nhiên
1.1. Vị trí địa lý
Huyện Duyên Hải được điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị xã Duyên Hải theo Nghị quyết số 934/NQ-UBTVQH13 ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Duyên Hải có tổng diện tích tự nhiên 30.047,21 ha, có vị trí địa lý được khái quát mô tả như sau:
- Phía Đông: Giáp thị xã Duyên Hải.
- Phía Tây: Giáp với huyện Trà Cú và tỉnh Sóc Trăng.
- Phía Nam: Giáp với Biển Đông.
- Phía Bắc: Giáp với huyện Cầu Ngang và huyện Trà Cú.
Huyện Duyên Hải nằm về phía Nam của tỉnh Trà Vinh, tại bờ Đông cửa Định An của sông Hậu, toàn huyện có 07 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm: thị trấn Long Thành, xã Ngũ Lạc, xã Long Vĩnh, xã Long Khánh, xã Đông Hải, xã Đôn Xuân, xã Đôn Châu.
1.2. Địa hình
Huyện Duyên Hải có địa hình mang tính chất của vùng đồng bằng ven biển rất đặc thù với những giồng cát hình cánh cung chạy dài theo hướng song song với bờ biển, những giồng cát chủ yếu có ở xã Long Vĩnh, xã Ngũ Lạc. Nhì chung địa hình huyện Duyên Hải khá thấp và tương đối bằng phẳng với cao trình bình quân phổ biến là 0,4m đến 1,2m.
1.3. Thủy văn
Do nằm sát biển nên huyện Duyên Hải chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ triều biển Đông và thông qua sông Nguyễn Văn Pho và kênh Quan Tránh Bố chi phối toàn bộ hệ thống sông rạch trên địa bàn huyện. Đây là hệ thống chính qua trung tâm huyện theo hướng Đông - Tây. Ngoài ra còn có mạng lưới sông, rạch phân phối nguồn nước đến sâu trong nội đồng.
- Sông Rạch Cỏ (Long Vĩnh); sông Vĩnh Lợi, sông Phước Thiện, sông Động Cao (Đông Hải).
- Sông La Bang, kênh 3 tháng 2, kênh Thầy Nại (Đôn Châu); sông Láng Sắc, sông Khoen, sông Bào Sấu (Đôn Xuân).
Các sông rạch này sâu và rộng, có chế độ bán nhật triều Biển Đông (nước lên - xuống 2 lần/ngày), biên độ triều khá cao và có lưu lượng chảy mạnh là điều kiện thuận lợi cung cấp nguồn nước mặt cho sản xuất nông nghiệp.
1.4. Khí hậu
Huyện Duyên Hải mang những đặc điểm chung của khí hậu đồng bằng Nam bộ, có chế độ khí hậu gió mùa cận xích đạo với nền nhiệt cao đều quanh năm, lượng mưa lớn phân hoá theo mùa. Một năm có hai mùa: Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5, kết thúc vào tháng 11; Mùa khô bắt đầu từ tháng 12, kết thúc vào tháng 4 năm sau. Ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa và mang tính đặc thù của vùng đồng bằng ven biển.
- Nhiệt độ: Nhiệt độ không khí trung bình tương đối cao và khá đều qua các tháng trong năm. Nhiệt độ bình quân năm 27ºC, nhiệt độ cao nhất vào tháng 4, 5 (28,7ºC) và thấp nhất vào tháng  1, 2 (24,5ºC) và không chênh lệch lớn giữa ngày và đêm.
- Số giờ nắng: số giờ nắng bình quân hàng năm là 208 giờ, tháng có số giờ nắng thấp nhất là vào tháng 6, tháng 7 khoảng 150 giờ/tháng; tháng có số giờ nắng cao nhất là vào tháng 3, tháng 4 khoảng 280 giờ/tháng.
- Độ ẩm không khí: độ ẩm không khí tương đối cao, trung bình 84%, cao vào các tháng mùa mưa (tháng 6, tháng 7) đạt 88% và thấp vào các tháng mùa khô (tháng 2, tháng 3) đạt 78%.
- Mưa: thời gian mưa từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 10 (5 tháng), lượng mưa thấp, tổng lượng mưa bình quân trong năm từ 1.000 - 1.200 mm, lượng mưa phân bố không đều, tập trung cao vào tháng 8, tháng 9 và tháng 10
Nhìn chung, điều kiện khí hậu của huyện Duyên Hải với các đặc điểm nhiệt đới gió mùa, nền nhiệt độ cao và tương đối ổn định, nắng và bức xạ thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên do lượng mưa thường tập trung theo mùa, với các yếu tố địa hình có những khu vực trũng thấp và giồng cao cục bộ thường dẫn đến các yếu tố bất lợi cho sản xuất.
1.5. Các nguồn tài nguyên
1.5.1. Tài nguyên đất
Theo kết quả khảo sát và lập bản đồ đất, thuộc Chương trình Đất Cửu Long năm 1992 (phân loại theo USDA) huyện Duyên Hải có 3 nhóm đất chính: Đất giồng cát, đất phù sa và đất phèn.
 - Đất cát giồng hiện tại phân bố ở một số xã trong huyện, tập trung ở xã Long Vĩnh và Ngũ Lạc. Hạn chế chính trong sử dụng canh tác là đất rất nghèo dinh dưỡng và giữ nước kém.
 - Đất phù sa phân bố tập trung tại xã Long Vĩnh, Long Khánh, Đông Hải, thị trấn Long Thành và Ngũ Lạc. Đất phù sa trên địa bàn huyện gồm có: đất phù sa phát triển trên chân giồng cát; đất phù sa nhiễm mặn ít; đất phù sa nhiễm mặn trung bình; đất phù sa nhiễm mặn nhiều.
 - Đất phèn tiềm tàng tập trung ở khu vực phía Nam quốc lộ 53, phân bố ở các xã Long Vĩnh, Long Khánh và Đông Hải. Đất bị ngập mặn thường xuyên và trực tiếp, tầng sinh phèn gần mặt đất chỉ thích hợp trồng rừng và khai thác, nuôi trồng thuỷ sản.
1.5.2. Tài nguyên nước
Do đặc điểm của vùng có hệ thống sông rạch chằng chịt nên tài nguyên nước mặt của huyện rất phong phú và đa dạng thông qua các sông lớn như sông Nguyễn Văn Pho, kênh Quan Tránh Bố đảm bảo cho việc tưới tiêu và nuôi trồng thuỷ sản. Có trữ lượng nước ngầm nhưng chưa có sự đầu tư khai thác trong lĩnh vực này.
Nước mặt hầu như nhiễm mặn quanh năm trên phần lớn diện tích đất của huyện. Với sự đầu tư và hoạt động hiệu quả của hệ thống thủy lợi trong thời gian qua, nước mặt trở thành tài nguyên cho hoạt động nuôi trồng thủy hải sản và canh tác nghề muối.
- Vùng phía Bắc tỉnh lộ 914 nằm sâu trong nội đồng bao quanh các giồng cát và trục giao thông cùng với hệ thống thủy lợi ngăn mặn Nam Măng Thít nên không bị nhiễm mặn.
- Vùng tiếp sông Nguyễn Văn Pho chịu ảnh hưởng triều sông Hậu do lưu lượng nước ngọt từ thượng nguồn đổ về nên có thời gian mặn từ 3 đến 5 tháng (độ mặn <4‰) nhưng không ổn định.
- Vùng phía Nam quốc lộ 53 và một phần lưu vực tiếp giáp kênh Quan Tránh Bố mặn từ 10 - 12‰ hầu như quanh năm.
1.5.3. Tài nguyên rừng
Hệ sinh thái rừng ngày càng đa dạng và phong phú, diện tích rừng được củng cố và được bảo vệ ổn định. Nhờ sự nổ lực, chung tay của nhân dân và chính quyền địa phương cùng với những dự án, chương trình khôi phục rừng của các tổ chức trong và ngoài nước, diện tích rừng đã từng bước được khôi phục và phát triển. Rừng của huyện Duyên Hải vừa có ý nghĩa phòng hộ chắn gió, sóng biển, chống xói lở, điều hòa khí hậu, cân bằng hệ sinh thái rừng ngập mặn vừa có tiềm năng phục vụ phát triển du lịch sinh thái là nguồn tài nguyên của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung.
1.5.4. Tài nguyên biển và thủy, hải sản  
Tài nguyên biển và thủy hải sản của huyện có giá trị và tiềm năng lớn. Thềm lục địa và vùng mặt nước biển thuộc huyện hiện có 661 loài thủy sản sinh sống, đa phần đều có giá trị kinh tế.
Ngoài khơi xa có nhiều loại hải sản có giá trị thương phẩm cao như cá ngừ, cá hồng, cá chim, cá thu,…với trữ lượng khá cao.
Từ các đặc điểm trên, cho thấy triển vọng của ngành khai thác, đánh bắt thủy hải sản còn rất lớn.
Vấn đề là trong thời gian tới, cần phải có sự đánh giá, quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản ở khu vực ven bờ. Đồng thời có hướng đầu tư phát triển mạnh mẽ khai thác xa bờ, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành, hạn chế tác hại làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
1.5.5. Tài nguyên khoáng sản
Cát giồng được phân bố thành giồng cao 3-4 m có dạng vòng cung, chạy song song với bờ biển, dài 5-10 km, rộng 50-70 m. Mỏ cát ở khu vực Phước Thiện xã Đông Hải, trữ lượng khoảng 810.000 m3, hiện được khai thác phục vụ cho xây dựng (san lắp mặt bằng).
II. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
1. Tình hình phát triển kinh tế
Cùng với sự chuyển biến tích cực của tình hình kinh tế trong nước và khu vực đã tạo nên những điều kiện thuận lợi và cơ hội mới cho huyện, thúc đẩy kinh tế tiếp tục phát triển. Trong giai đoạn, có nhiều công trình trọng điểm của Trung ương, của tỉnh được triển khai thi công, một số công trình được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các lĩnh vực.
Tăng trưởng kinh tế bình quân 05 năm đạt 16,02%. Thủy sản tăng 5,65% năm; nông nghiệp tăng 5,63%/năm; lâm nghiệp tăng 2,98% năm, công nghiệp tăng 12,35%; xây dựng tăng 27,29%; dịch vụ tăng 26,38% năm. Tổng sản phẩm bình quân đầu người 35 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: khu vực II từ 28,5% tăng lên 38,5%; khu vực III từ 18,4% tăng lên 28,4%; khu vực I từ 52,9% giảm xuống còn 33,1%.
- Sản xuất nông nghiệp:
+ Thủy, hai sản: nuôi thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Người dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trống lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, hàng năm có trên 20.000 lượt hộ nuôi thủy sản với diện tích mặt nước nuôi 25.000 ha. Xu hướng phát triển thủy sản là mở rộng nuôi thâm canh, chuyển đổi mô hình sản xuất; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất, thực hiện đa dạng hóa con nuôi, … . Khai thác thủy hải sản phát triển, các chính sách của Trung ương, của tỉnh về khuyến khích ngư dân đầu tư phát triển khai thác đánh bắt được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực, giúp ngư dân mạnh dạn đầu tư nâng cấp ngư cụ, thiết bị đảm bảo điều kiện đánh bắt xa bờ.
+ Trồng trọt: luôn được quan tâm đầu tư, chú trọng công tác cải tạo đất đai, ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến. Tận dụng diện tích đất sản xuất, tăng cường chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và ngày càng thích ứng với biến đổi khí hậu.
+ Chăn nuôi: nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được nhân dân quan tâm phát triển, đầu tư lai tạo giống mới, giống có năng suất và giá trị kinh tế. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện góp phần hạn chế dịch bệnh.
+ Lâm nghiệp: thực hiện có hiệu quả dự án trồng rừng phòng hộ ven biển và phát triển diện tích rừng trên vùng đất ngập nước ven biển, kết hợp với các giải pháp bảo vệ diện tích rừng như: khoanh nuôi trồng mới, trồng cây phân tán, giao khoán cho hộ dân quản lý chăm sóc bảo vệ rừng đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 15,2%.
+ Diêm nghiệp: hoạt động làm nghề muối của các hộ dân trên địa bàn xã Đông Hải được củng cố và phát triển, sản lượng thu hoạch khoản 10.000 tấn/năm.
- Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Giá trị công nghiệp năm 2015 ước đạt 657 tỷ đồng, trong nhiệm kỳ phát triển mới 331 cơ sở. Các lĩnh vực phát triển mạnh như cơ khí, hàn tiện, nhôm, … lĩnh vực công nghiệp tiểu thủ công nghiệp hoạt động tốt đáp ứng nhu cầu phục vụ các công trình trọng điểm và nhu cầu phát triển kinh tế, xây dựng trong nhân dân. Các công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất và làng nghề trên địa bàn huyện được duy trì  ổn định, sản xuất kinh doanh hiệu quả.
- Thương mại, dịch vụ và du lịch
Thương mại du lịch tăng bình quân 26,38%/năm, năm 2015 ướt đạt 1.080 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần so năm 2010. Phát triển mới 1.441 cơ sở, nâng tổng số toàn huyện có 5.223 cơ sở (thương mại 3.693 cơ sở, dịch vụ 1.530 cơ sở). Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đạt 2.748 tỷ đồng, hệ thống chợ được đầu tư nâng cấp, mở rộng đảm bảo tốt hoạt động kinh doanh.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động du lịch, kết hợp với các tổ chức khai thác, thu hút phát triển du lịch sinh thái, hàng năm duy trì lượng khác đến tham quan trên 150.000 lượt.
(Nguồn: Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Duyên Hải khóa X trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020)
Bản đồ hành chính




Thống kê truy cập
  • Đang online: 23
  • Hôm nay: 509
  • Trong tuần: 32 736
  • Tất cả: 4657578
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN DUYÊN HẢI
- Đơn vị quản lý: UBND huyện Duyên Hải - Ấp Mé Láng, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
- Chịu trách nhiệm chính:
1. Ông Phạm Hoàng Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải - Trưởng ban Biên tập Trang thông tin điện tử
2. Ông Nguyễn Tấn Lộc - Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện - Phó Trưởng ban Biên tập thường trực Trang thông tin điện tử
Điện thoại: 0294.3738345 Email: trangthongtindh@gmail.com
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Duyên Hải" khi phát hành lại thông tin từ website này.