Làng dưa tết Ba Động
Lượt xem: 10109

Đối với nhiều gia đình người Việt ở Nam bộ, dù giàu hoặc nghèo, ngày tết Nguyên đán cũng không thể thiếu được cặp dưa hấu chưng trên bàn thờ gia tiên. Hình ảnh cặp dưa chưng trong ba ngày tết thân thuộc đến đỗi được gọi luôn với cái tên là “cặp dưa tết”. Dưa tết phải là cặp dưa lớn, tròn trịa, đen hoặc xanh bóng láng, khi chẻ ra phải chín đỏ tươi một màu ra đến tận vỏ. Đối với những người “sành điệu” thì dưa tết phải là dưa hấu Ba Động. Dưa Ba Động không chỉ nổi tiếng trong phạm vi tỉnh Trà Vinh mà còn được nhiều địa phương, nhất là thành phố Hồ Chí Minh, ưa chuộng vì có thể chưng trên bàn thờ đến ra giêng mà không sợ bị ối nước, ruỗng ruột. Dưa Ba Động được ưa chuộng còn vì vị ngọt thanh thao của nó pha lẫn với những “hôt cát” đặc trưng mà không đâu có được.

Nói là dưa Ba Động nhưng thực ra dưa hấu tết được trồng khắp tuyến giồng cát ven biển các ấp Cồn Trứng, Nhà Mát, Khoán Tiều và Ba Động của xã Trường Long Hòa, một khu căn cứ cách mạng nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh trong hai cuộc kháng chiến. Có lẽ cái tên Ba Động được gọi chung cho dưa hấu Trường Long Hòa bởi đây từ thời thực dân Pháp đã tồn tại khu du lịch biển được đông đảo người dân Nam bộ biết đến qua câu ca dao: “Biển Ba Động nước xanh cát trắng, Ao Bà Om thắng cảnh miền Tây”. Không biết đích xác khi nào và ai là người đầu tiên mang hột dưa gieo xuống cát bỏng Trường Long Hòa, nhưng chắc chắn một điều đến đầu thế kỷ XX, dưa hấu Ba Động đã là một đặc sản của vùng đất Trà Vinh mà nhiều tài liệu của thực dân Pháp còn ghi lại. Vào đầu mùa dưa tết năm nay, tôi vinh dự được làm quen với một trong những người trồng dưa cố cựu ở đây là chú Ba Khón. Chú Ba bảo ông nội chú là ông Ba Thủ đã theo nghề dưa tết từ năm thập niên 1920, còn thế hệ trước nữa thì chú không nghe kể lại.

 

Tuy nhiên, với dân số thưa thớt trên vùng đất ven biển thời thuộc Pháp thì chắc chắn dưa hấu Ba Động thời đó được trồng trên một diện tích không lớn. Đến hai cuộc kháng chiến, trai tráng Trường Long Hòa đều tham gia cầm súng đánh giặc cộng với sự đánh phá ác liệt ngày đêm của địch nên diện tích dưa hấu càng giảm rõ rệt. Chỉ sau ngày giải phóng, nhất là thời kỳ bao cấp, trái cây vùng nhiệt đới được tiêu thụ mạnh ở xứ lạnh Liên Xô và các nước Đông Âu thì người dân dọc theo tuyến giồng cát thi nhau vỡ động, mở rộng diện tích trồng dưa. Ngày nay, cả xã Trường Long Hòa có xấp xỉ 200 ha dưa hấu thì ấp Nhà Mát đã chiếm đến hơn 130 ha.

 

Dưa hấu là loại dây thích hợp với đất giồng, đặc biệt là giồng cát ven biển. Dây dưa trông mỏng manh là vậy, thời gian sinh trưởng ngắn ngủi là vậy (chỉ khoảng 55 – 65 ngày) mà không biết sức lực ở đâu để nó có thể hút ngay trên lớp cát khô cằn ấy mà dâng tặng cho đời vị ngọt thanh thao, mát lạnh đến nao lòng. Dưa hấu Ba Động trước đây chỉ có duy nhất một loại dưa tròn và không hề biết đến phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng trái… là gì. Trường Long Hòa là vùng đất ven biển nhiều tôm cá. Ngày ấy, vỏ tôm, cá vụn là nguồn phân bón duy nhất cùng với hương vị của cát giồng, của biển cả, của gió bấc hanh hao đầu mùa giúp dây dưa hấu đâm chồi, nẩy lộc, ra bông, kết trái. Chính vì vậy, trái dưa đến từ Ba Động luôn khô xốp, pha lẫn những “hột cát” làm tơi đầu lưỡi mà đã một lần nếm qua, khó ai mà quên được.

 

Hai thập niên trở lại đây, kỹ thuật trồng dưa hấu đã có nhiều tiến bộ. Người ta không chỉ trồng vụ dưa tết mà còn thêm vụ trái thu hoạch vào tháng ba âm lịch. Nói là vụ trái là trái với mùa vụ truyền thống chứ dưa vụ này trúng hơn, chất lượng hơn nên thu nhập của người trồng cao hơn, diện tích cũng được mở rộng hơn. Nếu ngày xưa người ta chỉ trồng duy nhất loại dưa tròn thì ngày nay dưa Hắc mỹ nhân trái dài đang chiếm ưu thế vì chất lượng cao lại được giá trên thị trường. Ngày nay, để dưa đậu trái đồng loạt, người trồng dưa đã biết thụ phấn nhân tạo cũng như để hạn chế hiện tượng “chạy dây”, người ta tháp dây dưa vào gốc bầu nhắm tăng thêm sức chịu đựng… Rồi các biện pháp phòng trị sâu bệnh, thúc phân, dưỡng trái… giúp đẩy năng suất dưa lên cao và, dĩ nhiên, có làm cho chất lượng dưa Ba Động ít nhiều giảm đi.

 

Dẩu nhiều biện pháp tân tiến được áp dụng vào việc gieo trồng, chăm sóc nhưng đôi thùng tưới trên vai những cô gái có đôi chân thoăn thoắt trên cát bỏng vẫn không hề thay đổi. Do đất trồng dưa ở Trường Long Hòa là đất giồng cát, không thể đánh mương dẫn nước như các nơi khác nên dù có máy bơm, có giếng khoan thì cũng chưa thể thay thế đôi thùng tưới. Chính điều này đã hạn chế việc mở rộng diện tích dưa của mỗi hộ gia đình cũng như cả mấy ấp thuộc xã Trường Long Hòa. Một lao động giỏi giang đến mấy cũng chỉ có thể tưới mỗi ngày hơn công dưa. Nhà có mấy lao động thì cứ vậy mà nhân lên, dư đất thì trồng thứ khác hoặc cho thuê, cho mượn chứ không cách nào khác được.

 

Tưới dưa là công việc nặng nhọc nhưng cũng có cái hay là người trồng dưa buộc có mặt mỗi người bên rẩy dưa, nhìn ngắm kỹ lưỡng từng dây dưa. Điều này là hết sức cần thiết vì dưa sinh trưởng nhanh lại dễ bị sâu rầy, các thứ bệnh tấn công. Đó là chưa kể đến những công việc mang tính định kỳ chặt chẽ như cắt chéo, bấm ngọn, thụ phấn cho hoa, tỉa bớt trái non… Toàn là những công việc mà trễ một ngày, thậm chí có khi chỉ vài giờ là “thua” cả mùa dưa.

 

 Trong các biện pháp kỹ thuật của nghề trồng dưa Ba Động hiện nay, quan trọng nhất có lẽ là việc “tháp” dây dưa vào gốc bầu. Ông Ba Khón kể lại vào thập niên 1980, dân Trường Long Hòa bắt đầu trồng dưa “mùa nghịch”. Qua vài năm, do trồng lập đất nên hiện tượng “chạy dây” hàng loạt ngày càng nhiều. Trồng dưa “tháp” thực chất giống như trồng bầu sang mùa nghịch dưa sẽ không bị chạy dây. Ban đầu, dưa “tháp” sẵn được mua lại từ ghe thương hồ mang từ Thốt Nốt (Cần Thơ) sang bán lại nhưng kỹ thuật tháp, họ dấu kỹ. Bàn tính cùng nhau, hai ông Tư Thiết và Ba Khón, lúc ấy là đôi thanh niên mới lớn, lặn lội sang tận Thốt Nốt vào vai người tưới mướn để bí mật học nghề. Từ đó, dưa “tháp” gốc bầu được trồng phổ biến ở Trường Long Hòa trong vụ dưa tết. Dưa “tháp” dễ trồng, dễ chăm sóc, cho trái lớn, nặng cân nhưng vỏ dầy, nước nhiều nên dễ bị ối nước nếu để lâu ngày sau khi thu hoạch.

 

Dưa Hắc mỹ nhân được ưa chuộng vì tính hiệu quả kinh tế của nó. Nếu ở loại dưa tròn truyền thống, mỗi công đất chỉ trồng được 700 – 800 dây và mỗi dây chỉ để một trái thì dưa Hắc mỹ nhân, có thể lên đến 1000 dây và mỗi dây đến hai trái. Trái dưa Hắc mỹ nhân cũng có chất lượng cao hơn, ruột đỏ hơn, hàm lượng đường cao hơn, vỏ mỏng hơn, ít nước hơn. Thêm vào đó, mỗi trái chỉ trong khoảng 2 – 3 Kg, thích hợp cho bữa ăn gia đình gồm hai vợ chồng và 2 con nhỏ như hiện nay, so với dưa truyền thống to đến 5 – 7 Kg. Do vậy, dưa Hắc mỹ nhân được trồng phổ biến trên đất Trường Long Hòa còn giống dưa tròn chỉ được trồng lác đác vào mùa tết.

 

Theo chú Ba Khón, với những kỹ thuật trồng dưa ngày càng tiến bộ như hiện nay, người dân Trường Long Hòa không ai còn sợ dưa thất mùa. Chính vì vậy, thế hệ lớn tuổi không thể theo kịp thế hệ trẻ có học, nhanh nhạy trong kỹ thuật thâm canh. Những người trồng dưa thuộc loại “đại gia” ở Trường Long Hòa hiện nay như Trần Văn Cần, Trịnh Hoàng Huynh, Nguyễn Chí Hiếu, Lữ Minh Chiến… không ai vào tuổi sáu mươi. Câu Lão nông tri điền xem ra không còn đúng lắm trong nghề trồng dưa. Không sợ thất mùa nhưng nỗi ám ảnh của người dân Nhà mát, Cồn Trứng, Ba Động, Khoán Tiều chính là thất… giá. Theo chú Ba Khón, những năm còn bao cấp thấy vậy mà khỏe, dưa Ba Động được Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh bao tiêu cho thị trường Đông Âu, tuy lời không cao nhưng ổn định. Còn nay hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Năm hút hàng thì lũ lượt xe tải, ghe chài nằm chờ ăn hàng; giá dưa vài giờ đã thấy biến động theo những chiếc điện thoại di động của bạn hàng. Ngược lại, những mùa dội chợ cả cái xứ Trường Long Hòa buồn hiu, dài cổ mà chờ. Chú Ba Khón kể lại, mùa tết năm 2002, giá dưa rớt thê thảm. Nhiều hộ xót của bao xe chở lên Sài Gòn, nhìn đâu cũng thấy toàn dưa là dưa, đành kiếm góc chợ nào đó bày ra bán lẻ. Đất Sài Gòn gạo châu củi quế, tiền bán dưa chẳng bù được vào chi phí hàng ngày. Bỏ thì thương, ôm thì tội, có người nửa đêm bỏ của chạy lấy người, tiền mướn xe tải qua năm sau chưa trả hết.

 

Từ bao đời nay, dưa hấu đã gắn chặt với mùa xuân. Để có được cặp dưa hấu trên bàn thờ gia tiên trong ba ngày tết, người dân Ba Động, Trường Long Hòa đã đổ lên con giồng cát bỏng biết bao là mồ hôi và cả nước mắt nữa.

 

TRẦN DŨNG