Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghệ thuật rô-bam của người Khmer Trà Vinh
Lượt xem: 12826
Nghệ thuật Rô-bam của người Khmer Trà Vinh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ngày 8/5/2017. Nghệ thuật Rô-bam của người Khmer Trà Vinh thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Ra đời ở Trà Vinh cách nay hơn 200 năm và phát triển mạnh vào đầu thế kỷ XX tiêu biểu như: Đội Giồng Lức ở xã Đa Lộc, huyện Châu Thành; đội Cà Xăng, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành; đội Xà Leng Chas, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú; đội Tà Lếs, xã Thanh Sơn và Cà Hom xã Hàm Giang (nay là Hàm Tân) huyện Trà Cú và đội Bà Tây xã Tập Sơn, huyện Trà Cú... . Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ở vùng nông thôn Khmer Trà Vinh vẫn còn một số đội Rô-bam hoạt động không thường xuyên như: Đội Tân Trung Giồng, xã Hiếu Trung, huyện Tiểu Cần; Đoàn Nghệ thuật Khmer Triều An xã Hàm Giang; đội Bà Tây C xã Tập Sơn, huyện Trà Cú và đội Giồng Lức, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành. Ngoài ra, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh và đội Thông tin lưu động Khmer thuộc Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Trà Vinh cũng dàn dựng một số kịch bản Rô-bam để đi biểu diễn phục vụ.

Tiết mục múa chằn trong nghệ thuật Rô-bam của người Khmer Trà Vinh.
Đối với nghệ thuật Rô-bam ngoài chương trình biểu diễn chính thức còn có nghi thức cúng Tổ do ông bầu (trưởng đội) đảm nhận trong đó có tiết mục Chhu chhai và Hum rông.

Sân khấu Rô-bam đơn giản có một thùng cây lớn ở giữa, hai thanh tầm vông dựng đứng hai bên, một đà ngang để tạo cảnh cùng hai tấm màn thả xuống và một tấm rèm chạy ngang phía trên, phía sau có phông màn hậu.

Tuồng tích Rô-bam được các đội sử dụng hầu hết trích đoạn tích tuồng Riêm kê. Mỗi đội Rô-bam chỉ dựa vào những tình tiết cơ bản của cốt truyện để sắp xếp thành vở diễn riêng. Nhân vật vở diễn được cấu trúc theo hai tuyến nhân vật tiêu biểu cho hai loại người trong xã hội là chính diện và phản diện. Ngoài ra, còn có các nhân vật phụ như: quân lính, nàng hầu, tiên nữ, đạo sĩ… . Đặc biệt, có vai hề xuất hiện gây cười, gia tăng vui nhộn.
Trang phục sử dụng trong Rô-bam có các nhóm chính: Trang phục Neay-rong (nam), trang phục Neang (nữ), trang phục Yăk (chằn), trang phục khỉ Ha-nu-man.

Mặt nạ, mão có nhiều kiểu của chằn, khỉ, vua, công chúa, hoàng tử và mặt nạ của các con thú. Kiểu dáng và màu sắc không nhất thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy chuẩn còn tùy thuộc vào sở thích và sự sáng tạo của từng nghệ nhân.

Trang sức trong nghệ thuật Rô-bam cũng có sự tiến triển theo thời gian. Trước đây được quy định nghiêm ngặt, hiện nay nhằm mục đích đẹp và đúng tính chất nhân vật.

Đạo cụ sử dụng trong Rô-bam gồm có: roi, gươm, gậy, cung tên… .
Dàn nhạc Rô-bam gồm 5 nhạc cụ chính: Skô-thum (trống lớn), Skô-sam-phô (trống vỗ), Khmuốh (chiêng), Lô (kồng không núm) và Sro-lay Rô-bam (kèn Rô bam). Trong đó, Sro-lay Rô-bam là nhạc khí định âm chủ đạo về giai điệu âm nhạc, đảm nhiệm toàn bộ tính cách nhân vật xuyên suốt trong dàn nhạc của các vở diễn.
Lối diễn, cách diễn: Sân khấu Rô - bam ngoài động tác múa, còn dùng lời nói, lời hát để giải thích các tình tiết, sự kiện, hành động của diễn viên. Người dẫn truyện (Phôl) và hát đồng ca ở bên trong hậu trường cũng góp phần quan trọng cho đêm diễn. Người dẫn chuyện gần như chỉ huy hoạt động của sân khấu, vừa hướng dẫn diễn viên ra vào sân khấu đúng nơi đúng lúc, vừa hát thay, nói thay khi cần thiết. Cách diễn: Trước khi mở màn là tiếng trống giáo đầu vang lên rộn rã, vừa là cúng Tổ, vừa là cổ động người xem đến với sân khấu. Dứt tiếng trống, chuyển điệu hát nam và nữ ra múa điệu Chhu-chhai, tiếp đến chằn ra múa điệu Chhu-chai chằn, sau đó là nội dung tuồng tích.

Bài bản, làn điệu: Bài bản trong Rô-bam có: Phlêng Chhu-chai, Phlêng Banh choh, Phlêng Khon, Phlêng Krao-nay, Phlêng Ore, Phlêng Chơt, Phlêng Chơt-mon. Mỗi bài bản được sử dụng để phục vụ cho từng động tác múa và điệu múa, thể hiện tính cách cho từng nhóm nhân vật cụ thể và được quy định rất chặt chẽ. Có hai bài bản lớn bắt buộc phải có để phục vụ cho điệu múa khi mở đầu cho tất cả các vở diễn là Chhu-chay và Hum-rông. Về làn điệu thường là những làn điệu mang tính chất tự sự, đối thoại, đối chất, hỏi đáp.
Vũ đạo: Trong Rô-bam múa quán xuyến tất cả mọi màn, mọi cảnh diễn kể cả phần mở đầu cúng Tổ có tính cách nghi tiết. Theo thống kê trong Rô-bam có 33 điệu múa, thể múa; trong đó thế tay cơ bản có 8 điệu, riêng múa chằn được quy định trong 12 điệu, mỗi điệu có những ý nghĩa và tạo hình khác nhau.

Tiết mục múa trong nghệ thuật Rô-bam của người Khmer Trà Vinh.
Nghệ thuật Rô-bam của người Khmer Trà Vinh là loại hình kịch múa sân khấu cổ điển đã được người Khmer đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Trà Vinh nói riêng dân gian hóa đầy tính sáng tạo. Là hình thức nghệ thuật vừa cổ điển vừa dân gian, Rô-bam có vị thế quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của bà con người Khmer Trà Vinh trước đây. Nó vừa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí vừa mang tính triết lý và giáo dục sâu sắc, do đó có tác dụng không nhỏ đối với sự hình thành phát triển nhân cách, tâm hồn, cốt cách dân tộc và thế ứng xử văn hóa của cộng đồng người Khmer Nam Bộ nói chung và Trà Vinh nói riêng. Từ đó giúp người xem cảm nhận được điều hay lẽ phải, nhận thức được thiện -  ác, chính - tà, định hướng cho con người tự hoàn thiện mình và tiến tới xã hội lành mạnh, tiến bộ.

Hồ Bá Kỳ
Bảo tàng tổng hợp Trà Vinh