Chùa Phnô Đôn
Lượt xem: 7752
 
Trong những thập niên gần đây, Chùa Cò là một trong những địa chỉ du lịch nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh, có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách gần xa. Ngôi chùa này tọa lạc tại ấp Cây Da, xã Đại An, huyện Trà Cú, cách thành phố Trà Vinh khoảng 40 km, về hướng tây nam.

 

 

Ngôi chùa được xây dựng trên con giồng lớn của xã Đại An nên có tên là chùa Giồng Lớn nhưng người Khmer gọi là Wat Phnô Đôn vì chung quanh có nhiều dừa (tiếng Khmer Wat là chùa, Phnô là giồng cát, Đôn là cây dừa). Từ đầu thế kỷ XX, trong khuôn viên nhiều cây xanh của chùa, từng đàn cò về quần tụ ngày một đông hơn nên chùa có tên Chùa Cò.

Từ thị trấn Trà Cú, theo quốc lộ 54 tầm 7 km thì đến Chùa Cò. Ngôi chùa được xây dựng trên một rẻo giồng nhỏ nằm thoi loi như một bán đảo, phía tây nối vào Giồng Lớn, phía bắc là vuông đất rộc cát pha sét, hai phía đông và nam là cánh đồng trũng thấp.

Dừng xe ngoài quốc lộ, khách tham quan phải đi bộ chừng trăm thước trên một lối nhỏ rợp bóng tre để vào khuôn viên ngôi chùa. So với các ngôi chùa Khmer khác, điều khác biệt đầu tiên dễ nhận ra là cổng chính Chùa Cò lại đi vào phía sau ngôi chánh điện. Đây là sự ứng biến cho phù hợp với điều kiện địa lý tự nhiên vì theo tư tưởng Phật giáo Nam tong Khmer, ngôi chánh điện bao giờ cũng hướng về phía đông, trong khi phía trước chánh điện lại trũng thấp, khó đi lại.

Cũng như nhiều ngôi chùa Khmer khác trên địa bàn Trà Vinh, Chùa Cò có từ lâu đời và được xây dựng khang trang từ những thập niên đầu của thế kỷ XX. Qua thời gian, các kiến trúc đã xuống cấp. Đến năm 2010, được một doanh nhân tại thành phố Hồ Chí Minh gốc người địa phương phát tâm cúng dường nên ngôi chùa được xây dựng lại như hiện nay.

Ngôi Chánh điện là kiến trúc trung tâm, được xây dựng trên nền cao tại vị trí cao nhất của khuôn viên. Tuy được xây dựng mới bằng các vật liệu hiện đại nhưng ngôi Chánh điện Chùa Cò vẫn giữ nguyên vẹn phong cách kiến trúc cổ kính của ngôi chùa Phật giáo Khmer. Mái chùa lợp ngói và có ba lớp. Mái trên cùng dốc hơn các mái còn lại. Các góc đầu đao của mái đều có đuôi rồng cao vút uốn lượn. Giữa các cấp mái có rèm che mưa, che nắng, chạm khắc hoa văn. Trên các bờ dãy giáp mí của mái là các con rồng nằm xoãi dài, đầu hướng xuống phía dưới. Ở các đầu cột ngoài hành lang chùa đều có tượng vũ nữ Keynor dang tay chống đỡ mái ngói. Cột, kèo, xiên, đòn tay, la phông… ở ngôi chính điện đều bằng gỗ quý sơn son thếp vàng và chạm khắc hoa văn hết sức công phu, sắc sảo với nhiều đề tài khác nhau. Trên vách có vẽ các tranh phân kỳ sự tích Phật Thích Ca. Trên mái có đắp hình tượng rồng rất độc đáo. Như bao ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer khác, bên trong chánh điện Chùa Cò cũng thờ duy nhất Phật Thích Ca.

Các kiến trúc khác của Chùa Cò như tăng xá, nhà hội, giảng đường… đều tập trung ở phía bắc và cùng nhìn về hông ngôi chánh điện.

Giá trị du lịch và sự nổi tiếng của Chùa Cò không nằm ở nghệ thuật kiến trúc ngôi chánh điện và các công trình phụ khác mà chính ở khuôn viên rộng hơn 3 ha với hàng chục ngàn cánh cò trắng muốt quần tụ quanh năm.

Vừa bước vào khuôn viên ngôi chùa, khách tham quan không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh quan vừa đối lập vừa hòa quyện vào nhau. Ngôi chánh điện cao vút, nhiều màu sắc lộng lẫy, uy nghi trong màu xanh bạt ngàn cây lá. Những âm thanh Koóc, koọc. Kroóc koọc koọc… vang lên không ngớt, khi nhặt khi thưa, khi to khi nhỏ, suốt cả ngày đêm. Đó là tiếng kêu của hàng chục ngàn cá thể cò, với mật độ khá dày đặc trên tất cả các cành nhánh có thể làm tổ được của khu rừng trong khuôn viên nhà chùa. Gần như toàn bộ họ hàng nhà cò hiện diện trên lãnh thổ Việt Nam đều có đại diện tại Chùa Cò như cò trắng, cò ma, cò đốm, cò cổ đỏ, cò quắm… Xen lẩn vào các tổ cò, với mật độ ít hơn, là sự có mặt của rất nhiều loài chim tự nhiên khác, trong đó có nhiều loài đã trở thành quý hiếm như giang sen, điên điển, quạ, vòng vọc, trích… Tất cả chúng cùng cộng cư một cách hòa bình, thân thiện, tuy cũng có lúc không tránh khỏi xích mích, hiểu lầm.

Cò là loài chim nhiệt đới, không có tập tính di trú. Tuy nhiên, mùa khô chúng phải kiếm ăn xa nên có khi nghỉ tạm qua đêm trên những cánh đồng nào đó. Do vậy, đến tham quan Chùa Cò du khách nên đi vào mùa mưa cũng là mùa sinh sản của chúng. Cứ mỗi sáng, hàng ngàn cánh cò, chia thành những đàn nhỏ rời khỏi tổ, lao lên trời xanh trong đội hình chữ V ngược; và mỗi chiều, ngần ấy cánh cò lại rủ nhau về tổ, tạo một khung cảnh thanh bình, nên thơ vốn có của làng quê Việt Nam.

Khuôn viên Chùa Cò trước đây có nhiều chủng loài thực vật đặc hữu đất giồng cát như sao, dầu, trâm, bứa, tre, trúc… Qua thời gian, phân cò cứ bám vào thân, vào lá, nhất là đọt non làm cho lá cây teo tóp lại nên nhiều cội sao, dầu cổ thụ không chịu nổi, chết dần. Sao, dầu chết tới đâu thì tre lấn ra tới đó. Tre và cò thể hiện mối quan hệ cộng sinh lý tưởng. Phân cò bón cho tre ngày thêm tươi tốt, trong khi cành nhánh và cả lá tre là môi trường tuyệt vời cho cò làm tổ, sinh sôi phát triển.

Chùa Cò Trà Vinh không chỉ là một sân chim rộng lớn thu hút khách du lịch, mà còn là một bảo tàng chim đúng nghĩa cho công tác nghiên cứu khoa học, bảo vệ nguồn gene tự nhiên cho các thế hệ con cháu sau này.

Cò quần tụ ban đầu là một hiện tượng tự nhiên. Thế nhưng để duy trì và phát triển đàn cò đông hàng chục ngàn cá thể như hiện nay là nhờ vào sự bảo vệ nghiêm ngặt của các thế hệ sư sãi, cũng như ý thức bảo vệ thiên nhiên của người dân địa phương.

Từ nhiều thập niên trước, nhà chùa đã đề ra những nội quy cấm ngặt người dân trong phum sóc cũng như người lạ mặt đến săn bắt, mua bán chim cò. Hồi chiến tranh, binh lính chế độ cũ ngang ngạnh, ương bướng là vậy mà khi nổ súng bắn chim trong khuôn viên nhà chùa đã bị vị sư cả Lâm Co xách gậy đuổi chạy tuốt ra lộ. Lần khác, sư cả cùng sư sãi, bà con trong phum sóc gom những cánh chim không may bị bọn lính bắn chết mang lên tận dinh tỉnh trưởng đấu tranh, yêu cầu trừng trị cấp dưới vào chùa phá phách.

Những năm gần đây, việc bảo vệ đàn chim cò trong khuôn viên được các vị sư sãi Chùa Cò tiến hành nghiêm túc, quy củ hơn. Những lớp rào tre được dựng lên, chia khuôn viên nhà chùa thành 3 khu vực riêng biệt. Chung quanh ngôi chánh điện và các kiến trúc phụ khác là khu vực tự do đi lại, được phép thực hiện các hoạt động vui chơi giải trí. Tiếp đến là “vùng đệm”, khách tham quan có thể ra vào nhưng không được gây ồn ào, huyên náo. Cuối cùng là “vùng lõi” là khu vực mà những bụi tre chen kín nhau rậm rạp và mật độ tổ cò dày đặc, mọi sự ra vào đều bị ngăn cấm, trừ khi được phép của chính vị sư cả trụ trì.

Ở “vùng đệm”, nhà chùa dựng tháp canh cao hơn hẳn các ngọn tre để người có trách nhiệm tiện quan sát và du khách có thể nhìn ngắm, tìm hiểu các tập tính sinh hoạt của đàn cò.

Chùa Cò cùng các di tích Phế tích Lưu Cừ, Làng cá Định An, Phước Thắng cung với Nguyên tiêu thắng hội nổi tiếng… là những địa chỉ du lịch đa dạng ven biển và ven sông Hậu, thuận tiện giao thông cả đường bộ lẫn đường thủy, tạo ra tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp không khói trên địa bàn huyện Trà Cú nói riêng, khu vực phía tây nam tỉnh Trà Vinh nói chung.

(Theo dulichtravinh.com.vn)