Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025
Lượt xem: 4513
Sáng 21/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai 2 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh, có ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại điện lãnh đạo các Sở, Ban ngành tỉnh có liên quan cùng tham dự.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trung Hoàng dự hội nghị tại điểm cầu Trà Vinh

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội đã thông qua thực hiện 3 chương trình MTQG: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM. Trước bối cảnh và yêu cầu mới với những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, để cụ thể hóa yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng Nghị định quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đến nay, cả nước có 5.706/8.227 xã đạt chuẩn NTM; có 663 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 225 đơn vị cấp huyện thuộc 55 tỉnh, thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM; có 16 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM và 5 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Mục tiêu đến năm 2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và ít nhất 10% đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM; ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đặc biệt, 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm. 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Chương trình đề ra 7 dự án gồm: hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực giám sát, đánh giá Chương trình.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định, việc triển khai các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, tập trung cao cho phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG. Phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện các chương trình MTQG.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: tổ chức quán triệt, tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân và đối tượng có liên quan về các chương trình MTQG nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG.

T.P

 

Tin khác