Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Lượt xem: 3639
Thực hiện Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021, UBND tỉnh Trà Vinh vừa ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 28/02/2022 triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

Rừng phòng hộ ven biển tỉnh Trà Vinh (Nguồn: https://www.mard.gov.vn/)

Kế hoạch được đề ra nhằm thiết lập diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp; quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng của tỉnh; phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ môi trường rừng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Về mục tiêu cụ thể, tỉnh sẽ phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp bình quân là 2,5%/năm. Giai đoạn 2021 - 2030, trồng mới 1.476,42 ha rừng, nâng tổng diện tích rừng toàn tỉnh đạt 10.654,09 ha. Đồng thời, phát triển dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng các nguồn thu phù hợp với quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, năng suất và hiệu quả rừng trồng và các hệ thống nông lâm kết hợp.

Về xã hội, phấn đấu tạo việc làm cho 500 lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Về môi trường, mục tiêu tăng tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 4,45% so với diện tích tự nhiên. Tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được quản lý bền vững có xác nhận đạt 30%. Bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng và tăng năng lực phòng hộ của rừng trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh định hướng phát triển lâm nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên rừng và bảo vệ môi trường tích hợp vào Quy hoạch tỉnh. Có hướng phát triển riêng cho các loại rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Bên cạnh đó, quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng hiện có; phục hồi, nâng cao chất lượng rừng để tăng tính đa dạng sinh học, tính năng phòng hộ của rừng. Phát triển vùng rừng trồng cung cấp nguyên liệu tập trung, ưu tiên trồng rừng gỗ lớn; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào phát triển rừng. Phát huy tối đa các dịch vụ lâm nghiệp, dịch vụ môi trường rừng để tạo nguồn thu, tái đầu tư cho phát triển lâm nghiệp. Thành lập khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh tại Cồn Nạng.

Trong tổ chức thực hiện, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch này.

P.A

Tin khác