Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Lượt xem: 2750
Ngày 3/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì hội nghị trực tuyến lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự hội nghị có lãnh đạo một số Bộ, ngành và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trà Vinh

Tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh, ông Kim Ngọc Thái - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Văn Hẳn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành là thành viên Tổ điều phối liên kết phát triển tỉnh Trà Vinh tham dự.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đồ án quy hoạch có ý nghĩa chiến lược. Cả nước có 6 vùng kinh tế xã hội thì quy hoạch vùng ĐBSCL là quy hoạch vùng đầu tiên. Đây là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, có động lực tăng trưởng lớn.

Triển khai thực hiện những nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 120, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, 13 địa phương vùng ĐBSCL, Ngân hàng thế giới và đơn vị tư vấn nước ngoài tổ chức lấy kiến, hoàn thiện báo cáo quy hoạch, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và các tài liệu liên quan khác. Bản quy hoạch đã thể hiện nhiều đổi mới mang tính đột phá tầm chiến lược về định hướng, tư duy phát triển bền vững, liên ngành, liên vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo dự thảo Quy hoạch, phát triển vùng ĐBSCL dựa trên ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, trong đó, môi trường và xã hội là nền tảng. Phát triển theo nguyên lý thuận thiên có kiểm soát, coi tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi và lấy con người làm trung tâm, tận dụng những điều kiện tự nhiên phong phú để phát triển đa dạng nhưng hạn chế can thiệp thô bạo vào hệ thống tự nhiên.

Phát triển kết cấu hạ tầng được coi là chiến lược quan trọng nhất của quy hoạch vùng để hướng tới những mục tiêu phát triển nói trên. Đặc biệt quan trọng là các hạ tầng giao thông, năng lượng, cấp nước sạch và kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của vùng.

Trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn NSNN đầu tư dự kiến khoảng 388 nghìn tỷ đồng, bên cạnh nguồn vốn vay ODA 2 tỷ USD theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, báo cáo Quy hoạch vùng đang ở bước cuối trình Hội đồng thẩm định thông qua. Cùng với quy hoạch vùng, toàn bộ 13 địa phương trong vùng đang khẩn trương triển khai lập quy hoạch tỉnh nhằm cụ thể hóa quy hoạch vùng trong bối cảnh tổng thể, liên kết, đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Theo kế hoạch đã được phê duyệt, dự kiến đến hết năm 2022, toàn bộ địa phương trong vùng sẽ hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch tỉnh.

Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến hoàn thiện Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó nhiều đề xuất xoay quanh vấn đề quy hoạch hạ tầng giao thông, thủy lợi đảm bảo thích nghi với biến đổi khí hậu, cập nhật các quy hoạch của địa phương đã được phê duyệt vào Quy hoạch…

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến, đề xuất thiết thực của các Bộ, ngành, địa phương tham gia thảo luận. Trong thời gian qua vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp 15,4% GDP của cả nước, tuy nhiên tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chưa thật sự tương xứng và chưa khai thác được tiềm năng vốn có. Cho nên Phó Thủ tướng nhấn mạnh muốn phát triển vùng thì phải ưu tiên phát triển kết cầu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ và hiện đại. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện quy hoạch để sớm trình phê duyệt, tạo cơ sở để triển khai các dự án trong vùng./.

P.A

Tin khác