Khẩn trương triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi vừa xuất hiện tại huyện Cầu Kè
Lượt xem: 2117
Theo tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, sau hơn 01 năm khống chế thành công bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh, mới đây tại huyện Cầu Kè đã ghi nhận trường hợp heo mắc bệnh đầu tiên. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã kịp thời đến kiểm tra và chỉ đạo khẩn trương triển khai công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi tại huyện Cầu Kè.

Ngành nông nghiệp tiến hành tiêu hủy đàn heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi

tại ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè

 Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè, triệu chứng bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện vào ngày vào 22/9/2021 trên đàn heo nuôi của hộ dân tại ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè. Qua thực hiện lấy mẫu và gửi xét nghiệm đã có kết quả dương tính với vi rút bệnh dịch tả heo châu Phi, đến nay đã có 07 con heo chết và 54 con mắc bệnh trên tổng đàn 77 con heo thịt. Hiện toàn bộ đàn heo mắc bệnh đã được ngành nông nghiệp tiến hành tiêu hủy theo đúng quy định về xử lý môi trường trong chôn lấp. Trước tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi tái phát trở lại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp bao vây, khống chế ổ dịch cũng như liên tục rà soát tình hình diễn biến của dịch bệnh để kịp thời phát hiện và xử lý, không để dịch bệnh lây lan ra các khu vực lân cận. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan tại huyện Cầu Kè thực hiện nhanh công tác tiêu độc, khử trùng, quản lý đàn heo nuôi, tránh tình trạng vận chuyển, mua bán heo qua lại trên địa bàn xã có dịch; đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh để người dân hiểu rõ, vận động hộ chăn nuôi kiểm tra thể trạng đàn heo hằng ngày; khi có triệu chứng nghi nhiễm bệnh thì phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, chủ động thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi ngay trong giai đoạn đầu để không gây ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi của tỉnh.

Được biết, dịch tả heo châu Phi là bệnh xuất huyết lây lan rất nhanh ở heo. Tất cả heo ở mọi độ tuổi đều có khả năng bị nhiễm bệnh. Triệu chứng và bệnh tích điển hình của heo mắc bệnh là sốt cao, bỏ ăn, xuất huyết ở da và các cơ quan nội tạng, cuối cùng chết trong vòng 2-10 ngày, tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị bệnh, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi phạm vi nhỏ và chưa lây lan. Đối với hộ chăn nuôi và cộng đồng, cần thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; Không vứt heo chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. Tổ chức chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt (hằng ngày vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; vệ sinh tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi nhất là tại các cơ sở sản xuất giống,...), kết hợp với sử dụng hợp lý các chế phẩm vi sinh vật, bổ sung vitamin, khoáng chất tăng sức đề kháng cho heo. Chủ động tiêm phòng các loại vắc xin đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Dịch tả, Tai xanh, Lở mồm long móng,... nhằm góp phần ngăn ngừa dịch bệnh. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, cung cấp đầy đủ nguồn thức ăn, nước uống chất lượng tốt. Không sử dụng thức ăn thừa, thức ăn tận dụng chưa qua nấu chín. Khi phát hiện heo nghi hoặc nhiễm bệnh cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn thú y hoặc chính quyền địa phương gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch. Đối với các địa phương chưa xảy ra dịch tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức quan các hội, đoàn thể, qua các phương tiện thông tin đại chúng về bệnh và các giải pháp phòng, chống bệnh; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển heo và sản phẩm heo ra vào địa phương, nếu phát hiện trường hợp heo nghi hoặc mắc bệnh thì lấy mẫu xét nghiệm và xử lý theo quy định. Thống kê lại đàn heo, kiểm tra công tác phòng, chống dịch của các cơ sở chăn nuôi, nhất là các cơ sở chăn nuôi heo quy mô lớn, hướng dẫn khắc phục những bất cập (nếu có); chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị, nhân lực, biện pháp tiêu hủy sẵn sàng cho công tác chống dịch một cách chủ động. Còn đối với các địa phương đã xảy ra dịch, ngoài việc thực hiện những biện pháp như đối với các địa phương chưa xảy ra dịch, cần tiêu hủy toàn bộ heo mắc bệnh, heo chết, heo có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh. Tổ chức các biện pháp chống dịch, tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm. Hỗ trợ tài chính cho người dân chăn nuôi có heo và sản phẩm heo buộc phải tiêu hủy theo quy định./.

Quang Minh

Tin khác