Di tích miếu Tiền Vãng
Lượt xem: 6482
       Nếu đã từng là học sinh của Ecole le primaire Complementaire de Tra Vinh, sau này là trường Tiểu học Phú Vinh rồi trường Tiểu học Lê Văn Tám thì chắc hẳn không thể quên được hình ảnh ngôi miếu nhỏ nhắn thu mình đứng giữa sân trường đó chính là miếu Tiền Vãng.

        Miếu Tiền Vãng còn gọi là miếu Tiên Sư, tọa lạc trong khuôn viên trường Tiểu học Lê Văn Tám thuộc khóm I, phường I, thành phố Trà Vinh.

        Ngược dòng lịch sử khi thực dân Pháp nhảy vào Đông Dương rồi đặt chân lên đất Trà Vinh vấn đề bức xúc đặt ra là họ cần có một số người biết tiếng Pháp, tiếng Việt phục vụ trong bộ máy chính quyền. Ban đầu họ tuyển chọn những người biết tiếng Pháp, tiếng Việt ở các nhà thờ công giáo, nhưng nhu cầu ngày càng nhiều, vì vậy nền giáo dục Pháp – Việt ra đời vào những năm cuối thế kỷ XIX. Ngôi trường để đào tạo ở Trà Vinh là Ecole primaire Complementaire de Tra Vinh.

        Theo thời gian học sinh ngày một đông, ngôi trường cũng được mở rộng, nhiều thế hệ thầy cô giáo cũng đã ra đi. Năm 1943, với lòng tôn sư trọng đạo bằng sự tâm huyết của các vị giáo chức trong đó có công lao rất lớn của thầy Phạm Văn Lược, thầy Vương Hảo Thuận và thầy Võ Văn Hợi đề xuất và tiến hành xây dựng ngôi miếu thờ phụng các thầy cô giáo.

         Để có kinh phí xây dựng ngôi miếu, thầy Phạm Văn Lược và thầy Vương Hảo Thuận đã xin quan đầu tỉnh lúc bấy giờ cho tổ chức “Hội chợ phiên” trong khuôn viên của trường và xin giữ lại một phần kinh phí. Sau một thời gian gom góp, hai thầy đã cho khởi công xây dựng ngôi miếu theo bản thiết kế của thầy Võ Văn Hợi. Sau gần nửa năm thi công đến cuối năm 1943 ngôi miếu được hoàn thành.

         Tọa lạc giữa sân trường thoáng đãng, thu mình dưới những dãy nhà cao là ngôi miếu nhỏ quay mặt về hướng Nam. Kết cấu ngôi miếu theo kiểu tứ trụ đâm chái, khung sườn chịu lực, cửa vách đều bằng gỗ. Mái lợp ngói âm dương tiểu đại, bịt đầu mái là loại ngói có tráng men màu xanh ngọc dạng cánh sen. Nền miếu lát gạch. Đặc biệt, hai bên tả hữu ngôi miếu còn có hai giàn trống chiêng. Bên tả là giá trống, bên hữu là giá chiêng. Giá trống chiêng thiết kế theo kiểu nhị long cửu đao.

         Vào đến cửa miếu ta bắt gặp ngay phía trên cửa là biển đại tự “ký ức bất vong” viết bằng chữ Hán. Đây là nỗi niềm, lời nhắc nhở của các bậc thầy cô đi trước đối với các thế hệ đi sau.Bước vào trong miếu, ngay giữa là bàn thờ, phía sau là tấm bia đá. Tấm bia đá này trước kia có đính tên 139 thầy cô giáo, có cả giáo viên người Pháp, người Việt, người Hoa, người Khmer đã có công trong sự nghiệp giáo dục và đã qua đời, nhưng hiện nay những bảng đồng đính vào bia không còn, chỉ sưu tầm được một số danh tích thầy cô như: Nguyễn Văn Ngươn, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Văn Diệm, SenTennac, Nguyễn Văn Chưởng, Thạch Sung, Vương Hảo Thuận, Catrous, Võ Văn Hợi, Phạm Văn Lược, Văn Công Thơm, Nguyễn Văn Dần, Võ Văn Thế, Trần Đắc Sâm, Lê Văn Quyền, Lâm Trường Phát, Nguyễn Văn Dần, Mai Thị Đẹp, Trần Thị Sách…        

   Cũng như nhiều công trình khác, thời gian đồng hành với hư hỏng. Từ ngày xây dựng đến nay, ngôi miếu đã qua ba lần trùng tu, sữa chữa nhưng vẫn giữ nguyên dáng vẻ ban đầu. Lần thứ nhất trùng tu vào năm 1967, Ông Văn Công Thơm là Hiệu trưởng trường kiêm Thanh tra Tiểu học đã kêu gọi giáo chức tỉnh nhà gom góp tiền và công sức để trùng tu. Nhưng chỉ một năm sau chiến tranh đã làm ngôi miếu hư hỏng nặng. Do vậy, năm 1968 phải trùng tu, sữa chữa lần thứ hai. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đất nước thống nhất ngôi miếu cũng bị xuống cấp, đến năm 1992 khi tỉnh Trà Vinh tái lập ngôi miếu bị hư hỏng nặng. Thể theo nguyện vọng của giáo viên, học sinh, nhân dân, năm 1994, Sở Giáo dục Trà Vinh tổ chức hội thảo tìm lại cứ liệu, lấy ý kiến trùng tu ngôi miếu. 

         Được sự thống nhất cao, Sở Giáo dục đã tiến hành trùng tu, và nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1994) ngôi miếu khánh thành.

        Đặc biệt, với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, đạo lí  “uống nước nhớ nguồn”, dân tộc ta luôn có những người con tài đức, trong đó nhiều người đã cống hiến cả cuộc đời và sự nghiệp của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tiêu biểu cho những người đã giảng dạy, học tập tại ngôi trường này như : ông Từ Bá Đước, bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe, bác sĩ Mạch Dùng, bác sĩ Nguyễn Văn Cường, tu sĩ Thích Thái Không. Các ông đều là những người hoạt động tích cực trong Ủy ban Hành động tỉnh Trà Vinh từ những năm 1936. Hay hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuối năm 1946 đầu năm 1947, hàng loạt nhân sĩ trí thức ở nội ô đã thoát ly tham gia kháng chiến như ông Nguyễn Văn Tích - con của nhà giáo Nguyễn Văn Chưởng, ông Nguyễn Văn Khỏe Ru - con của bác sĩ Nguyễn Văn Khỏe,… Và nhiều người vì những lý do khác nhau không thể trực tiếp tham gia kháng chiến đều nhiệt tình đóng góp tiền của hoặc cung cấp tin tức cho cách mạng, tiêu biểu là nhà giáo Nguyễn Văn Chưởng, nhà giáo Vương Hảo Thuận, nhà giáo Văn Công Thơm,…Nhiều đồng chí sau ngày đất nước thống nhất đảm nhận trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước như đồng chí Lâm Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Trung ương ; đồng chí Nguyễn Thái Bình hiện là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng từng là học sinh của trường.

         Miếu Tiền Vãng biểu trưng độc nhất vô nhị trên đất Trà Vinh – biểu trưng của lòng tôn sư trọng đạo, nơi ghi công, tôn vinh các thế hệ thầy cô giáo có công trong sự nghiệp giáo dục, được Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ra quyết định số 2514/QĐ – CTT, ngày 10/12/2004 công nhận là di tích lịch sử văn hóa.

             
                                                                            VĂN TƯỞNG
23 người đã bình chọn