Di tích nhà cổ Cầu Kè
Lượt xem: 4968

Nhà cổ Cầu Kè còn gọi là nhà Huỳnh Kỳ tọa lạc ở khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, cách thành phố Trà Vinh khoảng 30km về hướng tây.

Đầu thế kỷ XX nước Pháp bước ra khỏi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất với tổn thất nặng nề về kinh tế, tài chính. Trước tình hình đó để phục hồi nền kinh tế chính quyền Pháp đẩy mạnh đầu tư khai thác thuộc địa. Tại Nam Kỳ, chúng đặc biệt chú ý khai thác tối đa về nông nghiệp, lập những điền lúa do người Việt và người Pháp làm chủ. Lợi dụng chính sách bóc lột của bọn thực dân, một số địa chủ người Việt có uy thế ra sức bành trướng mảnh ruộng của mình và vơ vét bóc lột sức lao động của người nông dân. Ở Trà Vinh đã xuất hiện nhiều điền chủ có tiếng. Riêng tại Cầu Kè ngoài Trương Hoàng Lâu, Huỳnh Nhị, Hội đồng Hòa, Lâm Quang Vĩnh, Phủ Hàm Yên còn có Huỳnh Kỳ. Những điền chủ này dựa vào thực dân Pháp để làm giàu bằng nhiều cách bóc lột nông dân như: tô, tức, lễ lạt, tạp dịch lao động không công... 

Bọn địa chủ quan lại giàu có, sống xa hoa, vừa duy trì những hủ tục phong kiến vừa du nhập lối sống phương Tây. Biểu trưng của những hiện tượng trên là những tòa nhà và lăng tẩm, tiêu biểu ở Trà Vinh là Đốc phủ sứ Huỳnh Kỳ người đứng đầu tổng Tuân Giáo dưới quyền điều hành của viên quan Pháp tỉnh Cần Thơ.

Đốc phủ sứ Huỳnh Kỳ là người sinh ra, lớn lên và mất tại Cầu Kè. Ngôi nhà được ông xây dựng vào năm 1924 theo bản thiết kế của các kiến trúc sư người Pháp. Khảo sát ngôi nhà hiện tại cho thấy, mặc dù theo thực dân Pháp chịu sự tác động của văn hóa phương Tây nhưng với nề nếp của gia đình, với truyền thống văn hóa phương Đông, cho nên khi cất nhà Huỳnh Kỳ rất chú trọng đến việc chọn vị trí, chọn hướng. Ngôi nhà đủ điều kiện nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ và hướng mở cửa lấy được chính khí “Thuần Thanh”. 

Cũng như nhiều ngôi nhà dân dụng khác, nhà Huỳnh Kỳ gồm ngôi nhà chính và một số công trình khác như: rào cổng, nhà sau, nhà kho…Mặt bằng tổng thể được phân bố như sau: Ngôi nhà chính nằm theo chiều dọc ở trung tâm, nhà sau nằm theo chiều ngang sau ngôi nhà chính và nối liền với ngôi nhà chính bằng một đường dẫn. Nhà kho nằm theo chiều dọc từ ngoài cổng nhìn vào ở phía bên trái ngôi nhà chính. Bao bọc khuôn viên ngôi nhà là hàng rào với các cổng ra vào.

Rào cổng được xây dựng bằng xi măng cốt thép theo kiểu thượng song hạ bảng. Trụ rào, trụ cổng làm bằng gạch, song rào, cửa cổng bằng thép. Cổng có hai cửa ra vào, một của chính một cửa phụ. 

Bước vào cổng là khoảng sân khá rộng sử dụng để bố trí trồng các bồn trồng hoa kiễng. Đặc biệt, ở trung tâm sân trước đây gia chủ có trồng ba cây dừa chung một gốc. 

Qua khỏi khoảng sân đến ngôi nhà chính. Ngôi nhà chính hình chữ nhật theo hướng bắc nam, chiều dài 20m, chiều rộng 18m, bó vỉa nền bằng đá xanh ken nhau dạng nền “kim quy”. Nền nhà lót gạch bông với nhiều loại hoa văn khác nhau, mái nhà lợp ngói vẩy cá với hai cấp mái theo kiểu bắt vần. Trên nóc mái bao quanh ngôi nhà và con lươn xây gạch trang trí với nhiều loại phù điêu khác nhau. Ngay chính diện phía trên cùng là hình tượng song mã chầu hoa, hai bên là hai lục bình. Dảy băng kế tiếp bên dưới có dòng chữ khắc trên tấm đá cẩm thạch: Huỳnh  Kỳ - Prorielaire – Cầu Kè, hai bên là hai bông hoa với chóp nhọn phía trên. Dưới nữa là hàng chữ số 1924 cùng chữ Huỳnh Hòa Cung và Giáp Tý niên bằng chữ Hán.

Sảnh đón nằm ngay giữa ngôi nhà được xây dựng nhô ra phía trước.  Trên các đầu cột đều gắn phù điêu kiểu Pháp và vẽ tranh đề tài ngư tiều độc mục. Lang cang phần sảnh dán gạch men trang trí các trụ lục bình (con tiện),  Trần sảnh đón là bức họa vẽ trên tường đồ án nhất long trong hình bầu dục với 5 vòng ngũ sắc. Các vách tường có các bức họa cảnh núi sông, nhà cửa, ghe thuyền. Hai bên sảnh đón là hai lối vào nhà thiết kế hình vòng cung với 7 bậc.  Cửa chính vào nhà có 4 cánh với hai lớp cửa sắc theo kiểu Pháp đầu thế kỷ XX.  Ngoài cửa chính còn có hai cửa hông hai bên cũng theo kiểu cửa chính hình chữ nhật ở dưới, hình vòng cung ở trên. Đặc biệt, vào theo hai cửa hông còn phải qua hai cửa giả là hai bức bình phong làm bằng gỗ.

Nội thất ngôi nhà gồm 05 gian chia làm hai phần trước và sau kiểu “ngoại khách nội hưu” bên ngoài là phòng khách bên trong là phòng nghỉ. 

Phần trước ngôi nhà không xây vách chia thành gian mà chỉ xây lang cang cột giả để ngăn cách thành 05 gian với 02 gian giữa rộng hơn hai gian hai bên. Nội thất ngôi nhà gồm 4 cột chính và 6 cột phụ, cột chính vuông , cột phụ tròn. Trên các đầu cột, cửa, giáp mí giữa vách với trần đều đấp các phù điêu hoa lá dây kiểu châu Âu. Trên vách, trên trần thì vẽ, đấp nổi các bức tranh đề tài hoa lá cảnh vật. Đặc biệt, trần của ngôi nhà không làm bằng bê tông cốt thép mà sử dụng gỗ làm khung sườn rồi dùng lưới kẽm mắc vào khung gỗ và đấp vào một hỗn hợp vôi vữa. Từ trần đến mái nhà là một khoảng không cách nhiệt có các lỗ thông gió, vì vậy luôn tạo cho ngôi nhà mát mẻ. 

Phần sau ngôi nhà gồm 1 gian rộng ở giữa và hai bên tả hữu mỗi bên 2 phòng nghỉ không bố trí theo kiểu nam tả nữ hữu mà ngược lại. Mỗi phòng đều có cửa sổ để thông gió và lấy ánh sáng từ bên ngoài. Từ ngoài (phòng khách) vào trong bằng 4 cửa, 2 cửa giữa không có cánh đóng, 2 cửa hai bên cánh đóng bằng gỗ. Phía trên hai cửa chính có gắn khung gỗ chạm thủng theo mô típ truyền thống của người Việt hình hai quả lựu. Trên trần và vách đều vẽ hoa văn hoa lá dây, trên đầu cột gắn các phù điêu trang trí. Giáp mí giữa trần và vách toàn bộ ngôi nhà là dãy băng phù điêu dạng hoa lá dây.

Ngoài ngôi nhà chính trong khuôn viên còn có nhà sau nằm song song với ngôi nhà chính đã được sửa chửa gần đây. Nhà sau thông với nhà chính bằng đường dẫn có trần che. Trên các đầu cột vách nhà sau và trên nóc, đầu cột đường dẫn đều được trang trí phù điêu. Bên trái là dãy nhà kho quay mặt vào ngôi nhà chính khung sườn gỗ mái 2 cấp lợp ngói âm dương và nhà vệ sinh cùng tháp canh cuối dãy nhà kho bên trái nhà sau.  

Kiến trúc nhà ở là loại hình xuất hiện sớm nhất so với các loại hình kiến trúc khác, là không gian kiến trúc phục vụ cho đời sống sinh hoạt gia đình, nhằm chống chọi lại với những bất lợi của điều kiện thiên nhiên. Nhà cổ Huỳnh kỳ đã được xây dựng cách đây 87 năm mang dấu ấn văn hóa riêng của con người vùng nhiệt đới.

Đây là ngôi nhà có đường nét cổ kính, vật liệu, phong cách trang trí tiêu biểu cho kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, phần lớn tiện nghi trong nhà cũng như cách bố trí và đề tài một số tranh vẽ như ngư tiều độc mục, làng quê... thì mang phong cách Á Đông – thuần Việt.

Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, ngôi nhà còn là một công trình đặc sắc về điêu khắc, hội họa. Các tượng, phù điêu trên mái, trên các đầu cột, vòm cửa, cửa sổ; các bức họa trên vách, trên trần; cách sử dụng gạch men với nhiều loại hoa văn để trang trí phần sảnh, vách ngoài và sàn nhà đã tạo cho công trình nét độc đáo riêng. 

Lịch sử phát triển kiến trúc Việt Nam trong thời kỳ cận đại trùng với thời kỳ Pháp đô hộ Việt nam, đó là thời kỳ chuyển tiếp hết sức quan trọng trong sự phát triển kiến trúc Việt Nam. Bởi vì từ cuối thế kỷ XIX trở về trước, kiến trúc Việt nam là kiến trúc truyền thống, kiến trúc gỗ với nguyên vật liệu sẵn có. Người phương Tây cụ thể là người Pháp đã đưa vào Việt Nam một nền kiến trúc mới của châu Âu. Như thế tạo ra một thời kỳ chuyển tiếp giữa kiến trúc truyền thống sang kiến trúc hiện đại ngày nay, đó là cầu nối lịch sử giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại. 

Ngôi nhà cũng là một chứng tích cho một giai đoạn lịch sử của vùng đất Trà Vinh nói riêng và Nam Bộ nói chung trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Nó đánh dấu một thời kỳ giai cấp địa chủ nắm toàn bộ tư liệu sản xuất cơ bản trong nông nghiệp-thời kỳ nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo toàn bộ nền kinh tế. 

Nhằm bảo tồn và phát huy di tích để các thế hệ hôm nay và mai sau nghiên cứu, học tập, ngày 12/9/2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 1454 công nhận Nhà cổ Cầu Kè là di tích kiến trúc nghệ thuật.                                                                           

VĂN TƯỞNG