DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH HỘI HỮU
Lượt xem: 5239
DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH HỘI HỮU

Đình Hội Hữu tọa lạc cách thị xã Duyên Hải khoảng 12km, cách thành phố Trà Vinh khoảng 41km thuộc ấp 13, xã Long Hữu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Ngôi đình được những cư dân đến đây khai hoang, lập nghiệp tạo dựng vào thập niên 20 – 30 thế kỷ XIX (đời Minh Mạng). Khi mới tạo dựng, ngôi đình đơn sơ bằng tre lá thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh. Sau đó đình phối tự thêm nhân thần Nguyễn Văn Thành, một nhân vật lịch sử đã đứng lên chống thực dân Pháp và đã anh dũng ngã xuống trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến. Vì vậy, đình Hội Hữu còn có tên gọi khác là Đình thần Nguyễn Văn Thành.

Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, nhân dân tổng Vĩnh Trị Thượng trong đó có bà con đình Hội Hữu đã hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào khởi nghĩa vũ trang do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo như phong trào của Trần Văn Đề, Đoàn Công Bửu, Nguyễn Xuân Phụng,... đã đánh bại nhiều cuộc hành quân và gây nhiều tổn thất cho địch.

Khi phong trào Thiên Địa Hội lan đến Vĩnh Trị Thượng, nhân dân Vĩnh Trị Thượng nói chung và Hội Hữu nói riêng đã tích cực tham gia với các hình thức bên ngoài như diễn kịch, cúng bái, đi nghinh. Các hoạt động này đã tập họp và hình thành một lực lượng quần chúng đông đảo có tổ chức, góp phần đáng kể cho sự nghiệp kháng chiến.

Những năm 1930 - 1940, sự ra đời hoạt động của các tổ chức Đảng Cộng sản đã tác động sâu sắc đến nhận thức chính trị của nhân dân. Các phong trào đấu tranh đòi dân cày có ruộng, đòi giảm tô, giảm tức, bỏ công lễ, chia ruộng đất cho người nghèo, chống phạt vạ vô lý, đình bắt thuế thân… đã nổ ra nhiều nơi trong đó có cuộc bãi công của hơn 1.000 dân phu làm đường ở Cầu Ngang, cuộc lãng công chống bắt phu làm không công hương lộ 21 được bà con đình Hội Hữu tham gia tích cực.

Tháng 3/1945, Chi bộ Đảng xã Long Hữu ra đời với 3 đảng viên là ông Trần Văn Tiệp, Phạm Văn Thắng, Phạm Văn Phán cũng là người trong Ban Hương chức đình. Tháng 5/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong ở Trà Vinh được thành lập. Đây là tổ chức công khai hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lợi dụng tính hợp pháp Thanh niên Tiền phong tổ chức móc nối, xâm nhập vào hàng ngũ binh lính địch để làm công tác binh địch vận, tập võ nghệ và chiến thuật quân sự. Đình Hội Hữu lúc này được sử dụng làm hội quán để tập hợp lực lượng, tổ chức dạy võ cho các Thanh niên Tiền phong. Tiêu biểu những người tham gia Thanh niên Tiền phong tại đây có ông Phạm Văn Phán chánh bái đình, ông Nguyễn Văn Do, Nguyễn Văn Hiếu, Dương Văn Kỉnh học trò lễ, do ông Phạm Công lãnh đạo đã hăng sai luyện tập, sẵn sàng chờ đợi thời cơ.

Lệnh Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 được ban bố, ở Long Hữu nhân dân các ấp trong đó có bà con đình Hội Hữu cùng lực lượng Thanh niên Tiền phong với vũ khí thô sơ tự trang bị như gậy gộc, dao búa... hò reo kéo ra bao vây Hội đồng xã cướp chính quyền, giải tán bộ máy hương chức thành lập chính quyền của nhân dân.
Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, đình Hội Hữu không chỉ là nơi hội họp bàn bạc kế hoạch, nơi chứa lúa lạc quyên dưới danh nghĩa lúa từ để cấp cho lực lượng cách mạng, đình còn là địa điểm biểu diễn văn nghệ vào dịp kỳ yên nhằm ca ngợi tinh thần yêu nước, sự hy sinh cao cả của đồng bào chiến sĩ, góp phần xây dựng đội ngũ chính trị, làm chỗ dựa vững chắc cho Đảng. Nhiều người con của hội đình đã tham gia kháng chiến tiêu biểu như: ông Trần Văn Tiệp, Phạm Văn Thắng, Phạm Văn Phán, Bùi Văn Chín, Nguyễn Văn Tiết, Phạm Công, Phan Văn Miễng, Nguyễn Thanh Liêm…

Khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí Nguyễn Văn Tiết (Ba Trắng) - Bí thư Chi bộ xã cho đào một hầm bí mật dưới bàn thờ thần trong chính điện ngôi đình để cất giấu vũ khí và là nơi trú ẩn hoạt động cho cán bộ. 

Bước sang giai đoạn “Chiến tranh đặc biệt”, bà con đình Hội Hữu cùng nhân dân trong xã với lực lượng trên 800 người kéo vào tề xã Bến Giá biểu tình thị uy, đòi dân sinh dân chủ, chống khủng bố. Quân địch hoảng hốt đóng cửa trụ sở, xả súng vào đoàn biểu tình làm chết 2 người, bị thương 3 người. Đặc biệt, vào ngày 17/3/1961, một số bà con trong hội đình tham gia cùng đoàn biểu tình của các huyện trong tỉnh kéo vào tỉnh lỵ Vĩnh Bình đấu tranh chống Luật 10/59, đòi được tự do đi lại học hành, đòi giảm tô, giảm thuế... 

Giữa năm 1962, phát huy thắng lợi của việc dùng bè đánh cầu giao thông, xã Long Hữu đã huy động nhân dân đóng góp công sức, gỗ ván, đình Hội Hữu đã hiến hàng chục cây dầu cổ thụ xả ván kết bè để đánh cầu Bến Giá. Lợi dụng lúc thủy triều xuống, nước chảy xiết ta thả bè va vào cầu làm cầu đổ nghiêng, công binh đặt bộc phá đánh sập cầu hoàn toàn, cắt đứt liên tỉnh lộ làm cho xe cơ giới địch không đi được từ Trà Vinh, Cầu Ngang đến Chi khu Long Toàn, bờ bắc Láng Chim và ngược lại.

Năm 1965, Ban hội đình nòng cốt là ông Phạm Văn Tòng (Năm Tòng), Trần Văn Ninh (Chín Ninh) đã sử dụng nhà võ ca, nhà khách của đình làm trường dạy học cho con em trong vùng. Nhiều học sinh học “Trường Đình” sau này đã trở thành cán bộ lãnh đạo ở huyện, tỉnh như: đồng chí Trần Văn Dơn - nguyên Ủy viên Thường vụ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, đồng chí Bùi Việt Lâm - nguyên Giám đốc Đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh Trà Vinh, đồng chí Nguyễn Văn Cách - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Duyên Hải, đồng chí Nguyễn Văn Dình - Tỉnh đội phó, Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Trà Vinh, đồng chí Trần Văn Hạnh - Đại tá, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 9…

Giai đoạn "chiến tranh cục bộ", với quyết tâm "bám đất giữ làng", "một tấc không đi một ly không rời", trong khuôn viên đình các hầm bí mật được củng cố và đào thêm để cán bộ ẩn tránh. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phạm Công trong hai năm 1967 - 1968, với sự đóng góp của đình Hội Hữu, quân dân Long Hữu đã lập nên kỳ tích phi thường, bứt rút cụm tề xã Bến Giá bằng con đường địa đạo. Để thực hiện phương án, thanh niên nam nữ trong xã đã đào một đường hầm xuyên động cát từ vành đai bao vây chọc thẳng vào đồn. Việc đào đường hầm gặp nhiều khó khăn, do vùng đất này nhiều cát nên khi đào đường hầm bị sụp, cho nên phải dùng ván ghép lại làm khuôn. Ngoài số ván của nhân dân trong xã đóng góp, ông Phạm Văn Hải (Tư Hải) cho tháo vách ngôi đình và cắt cây xả ván đóng góp cho việc làm địa đạo đánh đồn Bến Giá.

Chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Huyện ủy bàn bạc với hội đình xin tre đóng giường và lập trạm Quân y dã chiến tại đình. Ngoài ra, ban hội đình cùng bà con trong xã còn hiến 450 giạ lúa, 50 kg gạo, hàng triệu đồng và nhiều tài sản khác. Quân dân Long Hữu đã bao vây tề xã Bến Giá, đồn Đon, bót Cây Thị, buộc chúng rút chạy, giải phóng hoàn toàn xã nhà.

Sau khi xã nhà được giải phóng, để con em trong vùng Long Hữu, Hiệp Mỹ, Ngũ Lạc được đi học, đình Hội Hữu đã hiến nhà võ ca để tổ chức tháo vỡ dời sang Giồng Giữa dựng làm trường học. Bên cạnh đó đình cũng  hiến thêm cây gỗ cất thêm phòng mở rộng trường. Được một thời gian, địch dùng máy bay ném bom thiêu hủy hoàn toàn ngôi trường. Đình Hội Hữu tiếp tục hiến cây gỗ để đóng bàn ghế và dựng lại ngôi trường tại Gò Mả Đông tiếp tục giảng dạy cho đến ngày giải phóng.

Đình Hội Hữu đã đóng góp một phần đáng kể cho danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của xã Long Hữu nói riêng và huyện Duyên Hải nói chung.

Nhằm bảo tồn và phát huy di tích, góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, giáo dục các giá trị nhân hóa nhân văn cho thế hệ trẻ hiện tại và sau này, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ra Quyết định Số 948/QĐ-UBND ngày 13/6/2014 công nhận đình Hội Hữu là di tích lịch sử cấp tỉnh.

                                                                         Văn Tưởng