Di tích chùa Can Snom
Lượt xem: 10253
Chùa Can Snom (Bodhisayàràma) được xây dựng năm nào, tuy nhiên theo lời kể của sư cả Thạch Ngọc Thành và Ban Quản trị thì chùa được di dời và tạo lập lần thứ ba vào năm 1747. Chùa nằm cách thị trấn Cầu Ngang khoảng 10 km về hướng tây, cách thành phố Trà Vinh khoảng 25 km về hướng nam thuộc ấp Căn Nom, xã Trường Thọ (trước đây là xã Nhị Trường), huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. 

Ngay những ngày sau Cách mạng tháng Tám thành công hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch, chính quyền Nhị Trường phát động quần chúng tham gia phong trào “chống dốt” các lớp bình dân học vụ được mở ra  trong đó chùa Can Snom đã tổ chức nhiều lớp học, không những lớp học bình dân học vụ mà còn có các lớp học giáo lý Paly. Thông qua những lớp học này, các vị sư sãi, cán bộ cơ sở đã tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, giải thích âm mưu của kẻ thù, giáo dục lòng yêu nước cho quần chúng nhân dân, bước đầu đạt được những kết quả đáng kể, tạo nguồn nhân lực phục vụ công cuộc kháng chiến, kiến quốc tại địa phương sau này.

Tháng 02/1946 thực dân Pháp cho một tiểu đội lính do hai tên Pháp chỉ huy theo đường Bình Tân vào chiếm đóng Nhị Trường. Chúng ra sức lôi kéo, xuyên tạc những sự kiện lịch sử để gieo rắc tâm lý kỳ thị, phân biệt trong cộng đồng các dân tộc, gây nên mâu thuẫn giữa đồng bào Khmer và đồng bào Kinh, nhằm phá vở khối đại đoàn kết dân tộc tại địa phương. Thời gian này sư cả Lư cùng ban quản trị đã đến từng hộ đồng bào Khmer tuyên truyền, giải thích để bà con hiểu rõ sự việc mà không vướng vào âm mưu thâm độc của kẻ thù. Nhà chùa tích cực tham gia Hội ủng hộ Bộ đội ISSARAK xã Nhị Trường do đồng chí Thạch Wọng - Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chánh làm chủ tịch, Achar Sơn Wọng làm thư ký.

Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, chính quyền Mỹ - Diệm cho đóng cửa các trường dạy chữ Khmer trong chùa và sử dụng chính sách chia rẽ dân tộc, dùng vật chất, địa vị mua chuộc địa chủ, mẹ sróc, sư sãi nhằm quản lý đồng bào Khmer. Chúng rúng ép người dân phải tuyên bố ly khai cách mạng. Trước sự đánh phá của địch, bất chấp hiểm nguy, tù đày, hy sinh, nhiều gia đình người Kinh, Khmer, Hoa và các cơ sở tôn giáo đã làm hầm bí mật, làm vách đôi nuôi chứa, bảo vệ cán bộ. Tại chùa Can Snom sư cả Thạch Tạnh sử dụng chính điện làm nơi tổ chức các cuộc họp của cán bộ xã, huyện, tỉnh để triển khai các chủ trương của Đảng. Nhà chùa đã không quản hy sinh, không nề thiếu thốn luôn đùm bọc, che chở và bảo vệ cán bộ, chiến sĩ của các cơ quan trọng yếu huyện Cầu Ngang. Sư Thạch Nụ đã từng đưa cán bộ ta như các ông Thạch Liệp, Thạch Khriệt, Thạch Chân,… trú ẩn trong tủ chén, ở buồng kín, ở dưới bệ thờ Phật khi có động.

Từ năm 1957-1959, ông Thạch Minh Mẫn (Ba Thành) đến chùa gặp sư cả Thạch Tạnh triển khai tài liệu năm bước công tác cách mạng. Các tài liệu này đều được dịch từ chữ phổ thông sang chữ Khmer, giúp cán bộ ta thuận lợi trong việc tuyên truyền vận động quần chúng. Có tài liệu trong tay, các cán bộ hoạt động hợp pháp ở chùa cùng với các vị sư và Acha đã phổ biến cho đồng bào phật tử thông hiểu âm mưu, ý đồ của địch và tham gia  các phong trào hành động cách mạng.

Những năm này, sư cả Thạch Tạnh lại bất chấp hiểm nguy, tiếp tục sử dụng nhà chùa làm nơi ẩn náo của thanh niên kể cả người Kinh, người Hoa và từ đây đã xuất phát nhiều cuộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đòi tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng, chống bắt lính, chống luật 10/59... Tiêu biểu là cuộc đấu tranh kéo vào huyện lỵ Cầu Ngang tháng 11/1960. Trên đường đoàn bieeuur tình trở về  địch cho nả pháo làm bà Thạch Thị Hai, Sơn Thị Lý tử vong, hai người khác bị thương.

Một sự kiện xãy ra vào tháng 7/1968, khi Đại đội địa phương quân phối hợp cùng du kích xã lập trận địa phục kích tiêu diệt Trung đội dân vệ địch tại Trường Đua - Bông Ven. Trận đánh đã giành thắng lợi, theo kế hoạch, Đại đội địa phương quân sẽ chia thành ba cánh bám lại ở Chông Văn, Căn Nom, và Phiêu chờ đêm sau rút về căn cứ. Nhưng đêm ấy địch đưa Đại hội bảo an cùng biệt kích từ Trà Cú đánh vào Chông Văn, vì vậy một cánh quân của ta về đến đây buộc phải rút về Căn Nom. Sáng hôm sau, Tiểu đoàn 1 thuộc Sư đoàn 9 của địch có Chi đội M113 yểm trợ phối hợp  hình thành ba gọng kiềm hướng về Căn Nom tiêu diệt lực lượng ta. Lúc này, số lượng hầm bí mật đào sẵn tại chùa Can Snom chỉ đủ cho hai trung đội địa phương quân, lực lượng còn lại không nơi trú ẩn. Không còn cách nào khác, đồng chí đại đội trưởng Nguyễn Văn Phát (Mười Thọt), đồng chí huyện đội trưởng Dương Phú Hải (Tám Hải) bàn với nhà chùa và được sự thống nhất của sư cả Thạch Tạnh đưa bộ đội ta vào trú ẩn trong ngôi chánh điện sau khi giã vờ hành quân sang ấp Phiêu đánh lạc hướng địch. Khi vào chính điện trước tình thế nguy bách, đồng chí Mười Thọt, Tám Hải trao đổi cùng cả nhì Thạch Khône, cả ba Thạch Nụ cùng Lục Hươne rồi ngồi lên vai nhau lần lượt đưa 27 cán bộ, chiến sĩ và vũ khí lên trên pla-phông. Địch ập đến, điên cuồng lùng sục nhưng không tìm ra dấu vết buộc chúng rút đi.

Trước đó, vào năm 1967 địch bí mật gài mìn trong khuôn viên chùa làm cho ba vị sư Thạch Thâm, Thạch Chuông, Thạch Ni và một chú tiểu Thạch Niên tử vong. Năm 1968 địch đã bắn pháo vào chùa làm bà Thạch Thị Xưm người trông nom việc chùa thiệt mạng, nhiều tượng Phật bị hư hỏng, một tháp đựng hài cốt của bổn đạo bị sụp đổ hoàn toàn.

Giai đoạn 1969-1975, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy, Chi bộ Nhị Trường chủ trương phát huy triệt để sức mạnh của chiến tranh nhân dân, tăng cường lực lượng du kích, bố trí các loại vũ khí thô sơ tự bảo vệ cho cán bộ, chiến sĩ chiến đấu chống địch càn quét bảo vệ căn cứ. Tại khu căn cứ cán bộ, chiến sĩ ta bám vào nhà chùa, bám vào quần chúng. Trong khuôn viên chùa các hầm bí mật tiếp tục được sử dụng để tránh bom pháo và trú ẩn khi có động. Nhiều cuộc đấu tranh đã diễn ra mà địa điểm tập trung xuất phát tại chùa Can Snom rồi kéo ra xã, lên huyện, lên tỉnh. Trong một cuộc biểu tình địch đã đàn áp và bắt một số sư sãi, quần chúng như: Thạch Nụ, Thạch Keo, Thạch Tư, Kiên Thái, Thạch Hớs, Tô Tư, Thạch Khône… để điều tra thẩm vấn nhưng không khai thác được gì nên buộc chúng phải thả về.

Cũng tại chùa Can Snom vào năm 1971, khi địch cho quân đội, cảnh sát đến bao vây và xông vào chùa bắt lính, sư cả Thạch Tạnh chỉ đạo sư sãi đấu tranh chống lại. Các bậc bô lão báo động cho quần chúng, kể cả người Kinh, người Hoa cùng kéo đến hỗ trợ nhà chùa đấu tranh bảo vệ sư sãi, bảo vệ thanh niên. Cuộc đấu tranh tại chùa Can Snom giành được thắng lợi là bài học cho các chùa khác. Không chỉ trực tiếp đấu tranh tại chùa, tại địa phương, sư sãi của chùa còn tích cực tham gia các cuộc đấu tranh khác do Ban Khmer vận, Ban Sãi vận huyện, tỉnh tổ chức. Điển hình là cuộc đấu tranh do sư sãi chùa Can Snom làm nồng cốt cùng sư sãi và bà con Khmer huyện Cầu Ngang kéo lên bao vây Trung tâm Tuyển mộ quân dịch của địch ở Trà Vinh giải thoát những nhà sư, những thanh niên bị địch bắt.

Bước vào chiến dịch giải phóng Trà Vinh năm 1975, lực lượng dân công Nhị Trường trong đó có nhiều phật tử chùa Can Snom tham gia đào công sự chiến đấu, chuyển lương, tải đạn phục vụ bộ đội tiến công chi khu Cầu Ngang.

Kết thúc hai cuộc kháng chiến rất nhiều sư sãi của chùa sau khi hoàn tục đã tham gia bộ đội, du kích trực tiếp chiến đấu và anh dũng hi sinh như: liệt sĩ Kim Chon, Sơn Song, Thạch Khương, Thạch Sương, Thạch Suôl, Thạch Hớs, Thạch Phát, Thạch Srúch, Tô Ly, Thạch Chân, Thạch Sa Rương, Kim Rọt, Thạch Sơn, Kiên Ron, Thạch Phun, Thạch Thị Huôn, Thạch Luône, Thạch Thao,... Riêng sư cả Thạch Tạnh đã được Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương kháng chiến Hạng nhất. Ông Thạch Nụ được Hội đồng Bộ trưởng Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng bằng khen. Ngày 13/6/2013, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã ký Quyết định số 1127/QĐUBND công nhận chùa Can Snom là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Văn Tưởng