Phấn đấu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Trà Vinh vào năm 2030
Lượt xem: 21218
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Bình vừa ký ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Mục tiêu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Trà Vinh vào năm 2030. 

Du khách tham quan Thiền viện Trúc Lâm, thị xã Duyên Hải

Mục tiêu đến năm 2025, Trà Vinh sẽ tập trung xây dựng điểm đến, kêu gọi đầu tư vào các loại hình du lịch: Du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch biển; du lịch sinh thái miệt vườn; du lịch nông nghiệp và nông thôn (kết hợp đầu tư nông nghiệp và phát triển du lịch). Mỗi địa phương trong tỉnh xây dựng ít nhất 1 điểm du lịch được công nhận cấp tỉnh.

Về khách du lịch, tỉnh phấn đấu đón hơn 1,7 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 30.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch trên 930 tỷ đồng. Có 150 cơ sở lưu trú, số buồng lưu trú du lịch trên 1.750. Chi tiêu bình quân của khách du lịch là 1 triệu đồng/lượt. Tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch đối với GRDP của tỉnh là 0,9%.

Đến năm 2030, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; hình thành hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch, bảo đảm đủ khả năng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao quy mô vùng và cấp quốc gia.

Phấn đấu đón hơn 2,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 45.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch trên 1.850 tỷ đồng. Số cơ sở lưu trú là 170, số buồng lưu trú du lịch trên 2.100. Chi tiêu bình quân của khách du lịch là 1,8 triệu đồng/lượt. Thời gian lưu trú của khách du lịch tại tỉnh là 1,5 ngày/người. Chỉ tiêu tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch đối với GRDP của tỉnh là 1,3%. Nguồn nhân lực hoạt động trong ngành du lịch khoảng 1.900 người, trong đó có khoảng 90% được đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản phục vụ công tác quản lý và phục vụ hoạt động du lịch.

Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp như tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; triển khai nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch; Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch.

Tỉnh đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm: quy hoạch phát triển du lịch tích hợp và lồng ghép vào quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nâng cao chất lượng tour, tuyến du lịch, xây dựng 3 không gian du lịch mới có tính liên vùng (Không gian du lịch đô thị xanh thành phố Trà Vinh và vùng phụ cận; Không gian du lịch sinh thái biển; Không gian du lịch sinh thái miệt vườn gắn với văn hóa dân tộc). Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư sản xuất các mặt hàng lưu niệm phục vụ du khách.

Bên cạnh đó, Trà Vinh cũng tiếp tục huy động nguồn lực triển khai 7 nhiệm vụ đột phá trong phát triển du lịch, đó là: Huy động các nguồn vốn, khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch; khuyến khích đầu tư xây dựng khách sạn từ 3-5 sao, hệ thống nhà hàng đạt chuẩn, nhà hàng cao cấp; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch, chủ động kiểm tra tiến độ các dự án đầu tư phát triển du lịch, triển khai đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng cổng du lịch thông minh tỉnh Trà Vinh; tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ công nhận các khu, điểm du lịch; tạo chuyển biến rõ nét về du lịch cộng đồng, hình thành các điểm đến du lịch cộng đồng mới; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ để thuận lợi trong việc kết nối các khu, điểm du lịch trong tỉnh.

Phương An