Bảo đảm bình yên trên tuyến sông
Lượt xem: 6107
Qua khảo sát của Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 8.000 phương tiện thủy với hơn 200 bến khách, bến thủy nội địa, cảng sông, cảng biển, mỏ khai thác cát, bến, bãi vật liệu xây dựng; 457 công trình đăng, đáy trên các tuyến; 4 điểm du lịch, cùng với nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân trên lĩnh vực đường thủy nội địa có xu hướng tăng cao, nên công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông luôn được chú trọng; bên cạnh nhiều phương tiện nhỏ, thô sơ chưa đăng ký, đăng kiểm, không đủ điều kiện để lưu hành trên sông, điều này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
 

 

Trạm Cảnh sát đường thủy Định An, huyện Trà Cú kiểm tra các phương tiện trên sông

 Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh về việc tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường thủy. Cảnh sát đường thủy đã tiến hành rà soát, thống kê các phương tiện vận tải hành khách theo tuyến cố định, phương tiện du lịch, lễ hội, phương tiện chở khách ngang sông, phương tiện chở xăng dầu, chở hàng hóa nguy hiểm, phương tiện có lắp thiết bị bơm, hút cát, phương tiện nhỏ, thô sơ không đăng ký, đăng kiểm nhằm phòng ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra.

Trung tá Trần Văn Nghiệm, Trưởng trạm Cảnh sát đường thủy Định An cho biết, thực hiện kế hoạch của Công an tỉnh về tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên lĩnh vực đường thủy, đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ; tổ chức tuần tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm đối với các phương tiện chở quá tải, phương tiện không đảm bảo an toàn, người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, thiếu trang thiết bị an toàn, đặc biệt là thiếu hệ thống phòng cháy, chữa cháy, đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình trên các tuyến, những điểm nóng, điểm phức tạp nhất là những đối tượng có biểu hiện khai thác khoáng sản trái phép, phương tiện vận chuyển hàng hóa, hàng gian, hàng giả, không rõ nguồn gốc, để phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Để góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông trên đường thủy, Cảnh sát đường thủy bố trí lực lượng, phương tiện tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn, khu vực trọng điểm, điểm du lịch, thời điểm phức tạp nhằm kịp thời phát hiện cứu hộ, cứu nạn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm có nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn như: phương tiện thủy không đảm bảo điều kiện an toàn, không đăng ký, đăng kiểm, thiếu các trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, vi phạm về vận tải, xếp dỡ hàng hóa, chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, quá số người quy định, người lái phương tiện không giấy chứng nhận, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

Đồng thời, Cảnh sát đường thủy phối hợp Đoàn Kiểm tra liên ngành đường thủy, phòng Kinh tế - Hạ tầng thuộc UBND cấp huyện và chính quyền địa phương kiểm tra về kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, công trình khai thác cát, nạo vét luồng, bãi tắm, địa điểm lễ hội, du lịch diễn ra trên tuyến thủy… nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về điều kiện an toàn giao thông, điều kiện kinh doanh vận tải hành khách. Kiên quyết đình chỉ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền đình chỉ hoạt động các trường hợp không đảm bảo điều kiện an toàn, không phép hoạt động; lập biên bản bàn giao chính quyền địa phương theo dõi, giám sát, quản lý, chỉ đạo duy trì các biện pháp bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa theo quy định. Tổ chức lực lượng hướng dẫn, yêu cầu tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phải làm thủ tục đăng ký, đăng kiểm, trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn trên phương tiện thủy và ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy. 

Cảnh sát đường thủy phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành tuyên truyền, hướng dẫn các bến đò ngang, bến khách du lịch làm các thủ tục đăng ký, đăng kiểm phương tiện

Ông Nguyễn Văn Tiễn (ngụ ấp Thông Lưu, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành) cho biết, các phương tiện chạy ngang sông thì trước hết chuẩn bị neo, dây, áo phao, bình chữa cháy; hành khách xuống phà, phải nhắc nhở mặc áo phao, khi trời dông, mưa thì ngưng hoạt động để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho hành khách.

Bên cạnh đó, Cảnh sát đường thủy đã tập trung tuyên truyền đến chủ phương tiện, người vi phạm các quy định của pháp luật liên quan, hậu quả tai nạn, các biện pháp phòng, tránh tai nạn giao thông đường thủy nội địa; yêu cầu các chủ bến, người điều khiển phương tiện đăng ký phương tiện theo đúng quy định, không sử dụng, lưu hành phương tiện không đảm bảo an toàn; vận động người đi trên phương tiện thủy mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi. Đa số các phương tiện chấp hành tốt các quy định về Luật giao thông đường thủy nội địa như chuẩn bị dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, trang bị thiết bị phòng cháy, chữa cháy...

Trung tá Võ Hoàng Tuấn, Phó Đội trưởng đội Cảnh sát đường thủy, Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, để tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong thời gian tới, Cảnh sát đường thủy bố trí 3 tổ làm nhiệm vụ 24/24 giờ trên các tuyến địa bàn trọng điểm như sông Hậu, sông Cổ Chiên, vàm Trà Vinh, tập trung kiểm tra các phương tiện bến khách, bến vật liệu xây dựng, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các lỗi chở quá tải, quá số người quy định.

Bên cạnh công tác tuần tra, kiểm soát, Cảnh sát đường thủy phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành đường thủy kiểm tra các bến, bãi, công trình, phương tiện hoạt động đưa rước, khách, khắc phục tình trạng bến thủy không phép, không đảm bảo điều kiện theo quy định, phương tiện bến bãi hoạt động không phép không an toàn. Để trật tự an toàn giao thông trên đường thủy được đảm bảo đề nghị người dân khi tham gia giao thông cũng như thuyền trưởng, chủ phương tiện không nên chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, không được chở quá số người được phép chở. Khi đi qua phà, đò ngang thì mặc áo phao để phòng ngừa sự cố tai nạn. Đối với các bến đò ngang không phép, lực lượng chức năng kiên quyết đình chỉ và không cho hoạt động.

Để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trong thời gian tới, trước hết vẫn là ý thức tự giác thực hiện nghiêm pháp luật của mỗi người dân. Mỗi phương tiện hoạt động phải có đăng ký, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, trang bị đầy đủ phao cứu sinh, cứu đắm khi đi lại; chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện và người tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, tuyệt đối không được chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, quá số người cho phép; hàng hóa nên sắp xếp gọn gàng, không cản trở lối đi, làm nghiêng, lệch phương tiện; trước khi cho phương tiện lưu thông, các chủ phương tiện phải thường xuyên nhắc nhở hành khách mặc áo phao, ngồi đúng vị trí quy định; luôn luôn cảnh giác điều kiện thời tiết, thủy triều, sóng, gió bất thường để đảm bảo an toàn.

Phạm Hơn

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image