Những mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế
Lượt xem: 2779
Xác định “Dân vận khéo” là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội, trong những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể tỉnh Trà Vinh tập trung thực hiện. Qua đó, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khơi dậy sự đoàn kết, nhất trí của các tầng lớp nhân dân; góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc (áo xanh) kiểm ra thiết bị điện trong ao nuôi tôm

 Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh đã thu hút, khích lệ đông đảo hội viên, nông dân và nhân dân phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm vươn lên, học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; tham gia thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, ấp Định An, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải: tiết kiệm điện là một trong những giải pháp quan trọng của nông dân trong quá trình nuôi tôm, nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Qua nhiều năm nuôi tôm thẻ công nghệ cao, ông Phúc đã áp dụng thành công phương pháp cải tiến dàn quạt ô-xy tiết kiệm điện trong quá trình nuôi.

Hình thức nuôi tôm có đầu tư và quản lý cao về vật chất và trang bị kỹ thuật nuôi cũng khá hoàn thiện, quá trình nuôi có sử dụng quạt nước để tạo ô-xy đó là khâu chủ yếu sử dụng điện trong nuôi tôm. Do đó, ông Phúc luôn học hỏi kinh nghiệm và tìm giải pháp tiết kiệm điện nhằm góp phần giảm áp lực về  điện, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận kinh tế. Ông Phúc có 2 ao nuôi tôm, tổng diện tích 3.200m2. Hơn 4 năm qua, với hình thức nuôi “gối đầu”, chưa vụ nuôi nào thất bại, năm có lợi nhuận cao nhất là hơn 1,4 tỷ đồng. Ông Phúc chia sẻ: trước đây, không phải riêng ông, mà một số hộ nuôi tôm ở xã để cánh quạt gắn cố định trên thanh cọc gỗ bằng các tấm bố nhựa (đối với dàn quạt cắm cọc trên ao đất) hoặc các tấm ván khoét lổ (đối với dàn quạt sử dụng phao nổi). Với các thiết bị này, khi hoạt động, cánh quạt sẽ có độ ma sát rất lớn, độ ma sát càng tăng sẽ làm tăng nhiệt độ động cơ. Từ đó, gây tổn thất trong động cơ vì sử dụng mô-tơ công suất lớn gây hao phí điện năng…

Từ năm 2019 đến nay, nhờ địa phương tập huấn kỹ thuật và nhân viên điện lực tư vấn, hỗ trợ giải pháp tiết kiệm điện, ông Phúc không sử dụng gối đỡ chữ U để đỡ trục quay dàn quạt ô-xy. Vì khi sử dụng gối đỡ chữ U để đỡ trục quay của dàn quạt làm tăng ma sát tại các vị trí đỡ, làm động cơ chạy nặng hơn, tốn điện nhiều hơn và mau hỏng trục quay tuýp sắt.  Ông cải tiến, chuyển đổi từ sử dụng ổ trục ma sát trượt chữ U sang sử dụng ổ trục ma sát lăn - gối đỡ con lăn. Khi sử dụng gối đỡ con lăn để đỡ trục quay của dàn quạt ô-xy trong nuôi tôm sẽ làm giảm ma sát khi dàn quạt quay; góp phần tiết kiệm điện tiêu thụ của động cơ và tăng thời gian sử dụng trục quay.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay, Duyên Hải là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi khô hạn, mặn xâm nhập. Để hạn chế thiệt hại từ những tác động này, Hội nông dân huyện Duyên Hải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Theo đó, nhiều nông dân trong huyện đã và đang xây dựng các mô hình canh tác phù hợp vừa thích ứng biến đổi khí hậu, vừa gắn với chuỗi giá trị trong liên kết tiêu thụ sản phẩm, không những làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã.

 Là một trong những thành viên của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc, anh Thạch Ri, ngụ ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc cho biết, gia đình anh chuyên trồng màu từ năm 2015 đến nay. Tuy nhiên, do điều kiện canh tác gặp nhiều khó khăn về thời tiết cũng như nguồn nước tưới nên anh không tiếp tục trồng theo kiểu truyền thống mà chuyển sang đầu tư làm nhà lưới để nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ khi chuyển sang trồng trong nhà lưới, anh Ri chủ động hơn về mùa vụ, tiết kiệm nước tưới và hạn chế chi phí về phòng trừ sâu bệnh gây hại. So với trồng thông thường như trước kia, anh nhận thấy trồng trong nhà lưới năng suất cao hơn khoảng 1,5 lần, đặc biệt rất ít dập lá trong mùa mưa và rau màu cũng ít sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc.

Từ khi chuyển sang trồng trong nhà lưới thì các sản phẩm nông sản mà anh Thạch Ri trồng cũng có đầu ra ổn định hơn do được Hợp tác xã liên kết tiêu thụ. Hiện anh đang sản xuất rau màu với diện tích gần 2ha, trong đó nhà lưới ươm cây giống có diện tích trên 0,7 ha. Hàng năm, cơ sở sản xuất rau màu của anh Ri cung ứng ra thị trường khoảng 2,5 triệu cây giống các loại. Đặc biệt, cơ sở của anh cũng đang góp phần giải quyết việc làm cho 15 lao động địa phương và đang tiếp tục được anh đầu tư mở rộng để nâng cao chất lượng sản xuất, đa dạng cây con giống.

Anh Thạch Ri trồng màu trong nhà lưới

Nhiều năm qua, tỉnh Trà Vinh tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả; góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên cùng diện tích đất canh tác. Một trong nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng mía sang trồng rau màu là hộ bà Quách Thị Út, ấp Phố, xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú. Bà Út trồng chuyên canh các loại rau màu như hành, hẹ, xà lách, cải xanh trên diện tích hơn 1.500m2 trong hơn 4 năm nay. Các loại rau màu này cho thu nhập thường xuyên và ổn định.

Bà Út được tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật trồng màu và thực hiện tốt từ khâu làm đất trồng rau, cải đến cây giống, nguồn nước tưới tiêu, phân bón hữu cơ, đảm bảo sản xuất rau an toàn thực phẩm, sau thời gian thu hoạch, bà Út tiếp tục đầu tư, làm đất và gieo trồng rau màu liên tục, không để mất vốn. Cứ mỗi vụ gieo trồng, sau 1 – 1,5 tháng chăm sóc sẽ thu hoạch rau cải, hành, hẹ. Trung bình mỗi ngày, gia đình bà Út thu hoạch được 20 - 25 kg, giá dao động từ 8.000 đến 20.000 đồng/kg rau, cải các loại. Thương lái tại địa phương và các xã lân cận trong huyện Trà Cú sẽ đến tận vườn nhà thu mua nên rất thuận tiện cho gia đình bà.

Bà Quách Thị Út chuyển đổi từ đất mía sang trồng rau màu

Bà Quách Thị Út, xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú chia sẻ: Hồi chưa có hệ thống tưới thì 1 ngày mình làm 6 - 7 tiếng, hiện tại 1 ngày mình bỏ công ra chừng 1 tiếng để tưới, tiền điện cũng rất ít. Hồi xưa mình gánh nó nhọc công lắm, cho nên giờ có hệ thống tưới, bà con trồng được nhiều vụ mùa luôn. Từ đây tới tết, chuẩn bị đầu tư rau cần, cải bắp, trồng xen kẽ sà lách, rau thơm vì nó có giá.

Thực tế, nơi nào có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác dân vận thì diện mạo nơi đó sẽ ngày càng phát triển, phong trào sẽ luôn được duy trì và giữ vững. Bên cạnh đó, nội dung và phương thức vận động cũng phải không ngừng đổi mới, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, có như vậy mới huy động được sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển; các phong trào thi đua yêu nước đi vào chiều sâu, tạo niềm tin và sự đồng thuận cao trong nhân dân.

 

Minh Thùy 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image