Nâng cao giá trị sản xuất từ tái cơ cấu cây trồng
Lượt xem: 1325
Thực hiện Quyết định số 580 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch hành động tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Trà Vinh, những năm qua, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành tập trung xây dựng nhiều giải pháp hỗ trợ, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây hoa màu và cây ăn trái. Từ đó, mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống. 
 

 

Anh Huỳnh Sa Rây kiểm tra dưa lưới (chính vụ) trong nhà màng

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo của xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành. Cùng với nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên cùng diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả, ông Lâm Văn Năm, ngụ ấp Hòa Lạc A đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái là bưởi da xanh trên diện tích 10.000 m2. Với tinh thần chịu khó, cần cù, ham học hỏi kỹ thuật, vườn bưởi của gia đình ông Năm cho trái rất say, sau khi trừ mọi chi phí chăm bón thì lợi nhuận hàng năm thu về trên 200 triệu đồng.

Ông Năm chia sẻ: hồi trước, người dân ở đây cũng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là làm ruộng đạt hiệu quả không cao, sau này nhờ có chính quyền, đoàn thể địa phương vận động chuyển đổi sang trồng màu và cây ăn trái, đặc biệt là cây có múi; hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi trồng những loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao nên gia tăng thu nhập từ  3– 4 lần so với trồng lúa.

Trong thực hiện chuyển đổi cây trồng cho thu nhập cao phải kể đến mô hình kinh tế hợp tác trồng màu công nghệ cao xã Lương Hòa A. Anh Huỳnh Sa Rây, thành viên tổ kinh tế hợp tác mạnh dạn chuyển đổi 1.200 m2 đất trồng lúa sang trồng dưa lưới. Sau hơn 3 năm triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực, lợi nhuận bình quân mô hình từ 40 - 60 triệu đồng/1.000m2/vụ. Năm 2020, anh tham gia vào tổ hợp tác trồng màu của ấp, trồng dưa lưới trong nhà màng vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, hạn chế sâu bệnh gây hại, chất lượng sản phẩm an toàn, giá bán dao động ở mức từ 60.000 đồng/kg trở lên. Thời gian trồng từ 65 - 70 ngày. Năng suất mỗi vụ 2,5 tấn/1000m2.

Theo anh Sa Rây, tham gia mô hình tổ kinh tế hợp tác trồng dưa lưới, thu nhập khá cao, đầu ra ổn định, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Một năm anh trồng được 4 vụ dưa lưới. Tuy nhiên, đòi hỏi người trồng phải áp dụng công nghệ nên chi phí đầu tư cao hơn so với trồng bình thường.

Anh Huỳnh Sa Rây cho biết: Trong tổ hợp tác thì chủ yếu trồng các loại giống từ Nhật Bản và Hàn Quốc, dưa lưới có vỏ xanh ruột vàng hoặc vỏ vàng ruột vàng, tình hình tiêu thụ là hợp đồng chủ yếu thương lái ngoài tỉnh như Bắc Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long, họ thu mua và phân phối đi các siêu thị ngoài tỉnh. Hiện nay, tổ hợp tác cũng đã xây dựng xong nhãn hiệu và đạt OCOP 3 sao, hướng tới, các ngành cấp trên cũng quan tâm và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm ra ngoài tỉnh rộng hơn nữa, tổ hợp tác sẽ tiếp tục nhân rộng thêm diện tích nhà màng và giữ vững thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao xã Lương Hòa A.

Lương Hòa A là một trong những xã có đông đồng bào dân tộc Khmer với tỷ lệ hơn 70%, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông. Diện tích trồng màu chuyên canh toàn xã Lương Hòa A hiện có hơn 110 hecta, diện tích cây ăn trái hơn 250 hecta, chủ yếu là cây có múi.

Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành nói: Để việc sản xuất của người dân trên địa bàn xã đem lại hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập, đời sống xủa người dân thì hàng năm xã dưa ra kế hoạch cụ thể chuyển đổi sản xuất nông nghiệp. Trong đó, khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi những mô hình kinh tế cao như mô hình trồng dưa lưới, chanh không hạt, bưởi. Trong thời gian tới để đảm bảo với tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường như hiện nay, xã cũng tăng cường khuyến khích người dân sản xuất cho phù hợp để phát triển sản xuất, tiếp tục nhân rộng mô hình dưa lưới, kèm theo đó là mô hình chanh không hạt, xã đang phát động 120 công để người dân tiếp cận và đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả cao.

Theo ngành nông nghiệp huyện Châu Thành: tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa toàn huyện năm 2022 là hơn 311 hecta; huyện sẽ tiếp tục chuyển đổi 180 hecta vào năm 2023 này. Việc tham gia các mô hình kinh tế tập thể gắn với thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã nêu bật được vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước khi đưa ra quyết sách đúng đắn trong tiến trình phát triển kinh tế. Đồng thời, khơi dậy tiềm năng và làm chuyển biến nhận thức của người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói lúc sinh thời “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu – Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.

Minh Thùy

 

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image