Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
Lượt xem: 2733
Trà Vinh hiện có Khu Kinh tế Định An, Khu Công nghiệp Long Đức; một số Khu Công nghiệp đang quy hoạch: Cầu Quan, Cổ Chiên… và có 13 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã được công nhận, với các ngành nghề đa dạng. Nếu khai thác, phát huy tốt sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy tích cực đến thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Hiện, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2020, Văn phòng Điều phối NTM hoàn thành kế hoạch, trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, các địa phương đang triển khai, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân Trà Vinh phát triển.

Sản phẩm tôm khô của cơ sở Tôm khô Tiến Hải, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải - sản phẩm OCOP đạt 3 sao năm 2019.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương trong tỉnh được hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị. Hiện nay, kế hoạch Chương trình OCOP năm 2020 đang được xem xét, song trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm có khả năng được “gắn sao” (sản phẩm được gắn từ 01 - 03 sao phục vụ thị trường trong nước, từ 04 - 05 sao có khả năng cạnh tranh, xuất khẩu). Năm 2019, UBND tỉnh đã quyết định công nhận 30 sản phẩm OCOP.  

Thông tin từ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, tập trung sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh Chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện, thị và thành phố. Đồng thời, đưa phong trào XDNTM từng bước đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối XDNTM tỉnh xây dựng Chương trình OCOP năm 2020. Mục tiêu của tỉnh sẽ tiêu chuẩn hóa một số sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp hiện có; củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp.  

Chủ tịch UBND huyện Trà Cú, ông Lê Hồng Phúc cho rằng, sản phẩm sa-lon tre của Trì Cảnh, ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang hay bộ đồ dùng sinh hoạt nông thôn thu nhỏ của hộ kinh doanh Diệp Thị Trang, ấp Giồng Đình, xã Hàm Giang nếu được chú trọng đầu tư, sẽ phát triển bền vững hơn. Từ đó, tạo cơ hội cho các chủ cơ sở tiếp cận với công nghệ, thiết bị tiên tiến để ứng dụng vào sản xuất, giúp sản phẩm được chuẩn hóa nhằm nâng cao giá trị sản phẩm…

Bộ đồ dùng sinh hoạt nông thôn thu nhỏ của hộ kinh doanh Diệp Thị Trang, ấp Giồng Đình, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú-sản phẩm OCOP đạt 3 sao năm 2019.

Cũng theo thông tin từ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, Chương trình OCOP năm 2020 sẽ tăng cường quản lý sản xuất, quản trị kinh doanh; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền, chiến lược phát triển kinh doanh cho các sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP; xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực có tiềm năng phát triển theo hướng thương mại hóa. Tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đặc trưng, lợi thế so sánh của địa phương, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu. Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP gồm các ngành, hàng: Nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm, nội thất và trang trí… Trên cơ sở đó, tập trung lựa chọn các sản phẩm có khả năng phát triển thành sản phẩm chủ lực, sản phẩm đỉnh cao. Khuyến khích các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện lựa chọn các sản phẩm tiềm năng, đặc trưng, đặc sản, truyền thống tham gia vào Chương trình OCOP. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là tiêu thụ sản phẩm OCOP, cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp...

Phát triển sản phẩm OCOP nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân trong tỉnh, nhất là lao động nông thôn. Do vậy, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững với những cách làm phù hợp, đến nay trên địa bàn 09 huyện, thị xã và thành phố đều có sản phẩm đặc trưng riêng và được công nhận sản phẩm OCOP. Vấn đề đặt ra, thời gian tới các sở ngành hữu quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương cần đẩy mạnh hoạt động kết nối, phát huy tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, chương trình đã và đang khai thác hiệu quả thế mạnh của mỗi địa phương. Để đẩy mạnh chuỗi kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, song tiến độ thực hiện Chương trình OCOP tại một số địa phương vừa qua còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn nguyên liệu ít dần; đầu ra sản phẩm gặp khó; một số hộ, cơ sở thiếu vốn để thay đổi, nâng cấp trang thiết bị. Mặt khác, nhận thức chưa đầy đủ và sự chỉ đạo của lãnh đạo một số địa phương chưa quyết liệt.

Ðể xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, nhiều địa phương đã có những bước đi cụ thể, linh hoạt. Vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đề ra mục tiêu phấn đấu đưa sản phẩm vào siêu thị để tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn; củng cố và phát triển các loại hình kinh tế tập thể. Trong đó, chủ yếu là hợp tác xã và tổ hợp tác, phấn đấu hoàn thành tiêu chí 13 tổ chức sản xuất.  

Thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg, ngày 09/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020”; theo đó, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình “Phát triển mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030” đảm bảo đúng tiến độ và hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ Tiêu chí quốc gia về XDNTM, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân. Đồng thời, tỉnh đề ra chỉ tiêu phấn đấu cuối năm 2020, mỗi huyện, thị xã và thành phố tối thiểu có 03 sản phẩm được phân hạng đạt từ 03 sao trở lên. Mỗi xã, phường, thị trấn tổ chức liên kết vùng, có ít nhất 01 sản phẩm gắn với tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; phát triển 01 sản phẩm gắn với xây dựng chuỗi liên kết giữa các địa phương; xây dựng chuỗi giá trị khoảng 02 sản phẩm có tiềm năng phát triển theo hướng thương mại hóa. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ thể kinh tế... tham gia Chương trình OCOP.

TRƯỜNG NGUYÊN

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image