Nông dân Trần Văn Chung - “Chuyên gia” trồng lúa giống
Lượt xem: 2828
Dám nghĩ, dám làm và dám đối mặt trước những khó khăn thử thách của cuộc sống đã giúp cho nông dân Trần Văn Chung ở ấp Ô Tre, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành tự lực vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo khó. 

Nông dân Trần Văn Chung

Xuất thân trong một gia đình nghèo, sau khi lập gia đình để có tiền trang trải cho cuộc sống, hết vụ gặt lúa, nông dân Trần Văn Chung đi xin rơm của hàng xóm về trồng nấm rơm quanh nhà. Hơn 10 năm miệt mài với việc làm thuê, cuốc mướn và tích lũy từ việc trồng nấm rơm, dần dần vợ chồng nghèo cũng dành dụm được số tiền để sang lại 05 công đất ruộng. Có đất, sản xuất 3 vụ lúa/năm với loại giống truyền thống, năng suất không cao, đầu ra không ổn định. Năm 2009, ông Chung quyết định tìm đến cán bộ nông nghiệp xã và đọc thêm thông tin từ báo, đài để sản xuất lúa giống Cửu Long và Hàm Châu (loại giống mới ở thời điểm này), năng suất đạt 04 tấn/ha. Thấy hiệu quả và có đầu ra ổn định nên ông Chung vận động bà con trong ấp làm theo.

Nông dân Trần Văn Chung cho biết: Sản xuất giống theo qui trình truyền thống năng suất thấp và hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2012, sau khi được xã Thanh Mỹ chọn tham gia lớp tập huấn Kỹ năng chọn giống và sản xuất lúa giống tại Thành phố Cần Thơ do Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long tổ chức, tôi đã vận động thêm 06 hộ nông dân trong ấp thành lập Tổ hợp tác Sản xuất lúa giống Kim Chung trên tổng diện tích 07 ha. Đến năm đầu tháng 9/2017 nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực và được nhiều hội viên Hội nông dân xin đăng ký tham gia, Tổ đã mạnh dạn phát triển lên mô hình Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài, tọa lạc tại ấp Ô Tre, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, chuyên sản xuất các loại lúa giống, lúa hàng hóa. Thời điểm thành lập, HTX có 58 thành viên, vốn điều lệ 364 triệu đồng; hiện nay, HTX có 74 thành viên, nằm ở 06 ấp của xã Thanh Mỹ, vốn điều lệ tăng thêm hiện là 424 triệu đồng, với diện tích 150ha. Vụ Đông - Xuân năm 2020 - 2021, năng suất lúa bình quân đạt từ 08- 09 tấn/ha (lúa tươi); cá biệt, có những thành viên đạt 10 tấn/ha (lúa tươi). Lợi nhuận bình quân đối với lúa giống của vụ lúa Đông - Xuân 2020 - 2021 gần 56 triệu đồng/ha.

Sau gần 04 năm đi vào hoạt động, đã qua 10 vụ sản xuất lúa, đến nay HTX thật sự là chỗ dựa vững chắc của thành viên. Hiện HTX đang tiếp nhận và xem xét hơn 20 đơn của nông dân xã Thanh Mỹ và các xã phụ cận có nguyện vọng xin vào HTX. Vụ lúa vừa qua, đối với 25ha mà thành viên sản xuất 06 loại giống lúa mới: OM5451, OM18, Đài Thơm 8, Hương Châu 6, OM4900, Hàm Châu, đến khi thu hoạch, nếu lúa đạt chuẩn, HTX thu mua cao hơn giá thương phầm trong khu vực bình quân 1.000- 1.200 đồng/kg lúa tươi.

Anh Nguyễn Văn Cưng – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ đánh giá: Sản xuất lúa của thành viên HTX lợi nhuận cao hơn nông dân sản xuất lúa bình thường bên ngoài, thành viên còn được mua phân bón của HTX với giá thấp hơn 20.000 đồng/bao phân. HTX hoạt động hiệu quả, cuối năm thành viên được chia lợi nhuận theo mức góp vốn. Năm 2020, sau khi trích lợi nhuận vào quỹ dự phòng theo Luật HTX năm 2012, HTX nông nghiệp Phát Tài còn lợi nhuận gần 120 triệu đồng.

Anh Phan Văn Trinh, ấp Ô Tre nói: Nhờ tham gia Hợp tác xã nên gia đình tôi đã khấm khá hơn, bên cạnh được anh Chung hướng dẫn nhiệt tình cách sản xuất lúa giống, vào mỗi vụ thu hoạch, gia đình tôi còn được anh cho mượn máy sấy lúa để đảm bảo lúa đạt chất lượng và bán được giá cao.

Với nỗ lực vượt khó trong sản xuất, nông dân Trần Văn Chung, được Hội nông dân các cấp công nhận là nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền. Ông là một trong những tấm gương nông dân tiêu biểu trong phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tại địa phương trong thời gian qua./.

S.H

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin khác
1 2 3 4 5