Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Lượt xem: 4373
Ngày 29/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh có ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh có liên quan.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh

Năm 2021 là năm có nhiều khó khăn, thách thức, trong đó dịch bệnh Covid-19 tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ, ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá cao, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt, vượt mức Chính phủ giao.

Theo báo cáo, ngành nông nghiệp đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật là: giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 42 tỷ USD mà Chính phủ đưa ra; tổng sản lượng lương thực đạt gần 44 triệu tấn. Giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp năm 2021 ước tăng khoảng 2,85 - 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%.

Sản lượng lúa đạt 43,86 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá gạo xuất khẩu tăng từ 496 USD/tấn năm 2020 lên 503 USD/tấn năm 2021. Về công tác nuôi trồng thủy sản, đẩy nhanh phát triển bền vững cả nuôi trồng và khai thác, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8,73 triệu tấn, tăng 1,0% so với năm 2020.

Chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi sạch, hữu cơ, an toàn sinh học. Sản lượng thịt các loại đạt 6,69 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2020; sữa tươi đạt trên 1,2 triệu tấn, tăng 10,5%; trứng 17,5 tỷ quả, tăng 5,1%. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Lâm nghiệp tiếp tục thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển rừng, trọng tâm là Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”; diện tích rừng trồng mới tập trung 278 nghìn ha và 120 triệu cây phân tán; thu dịch vụ môi trường rừng trên 3.100 tỷ đồng.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng. Hết năm 2021, có 5.614 xã (68,2%) đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 17 tiêu chí/xã; có 213 đơn vị cấp huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; có thêm 03 tỉnh, thành phố với 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (Thái Bình, Cần Thơ, Hải Dương).

Chỉ tiêu cơ bản năm 2022 của ngành đặt ra là: Tốc độ tăng trưởng VA toàn ngành 2,8 - 2,9%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất NLTS 2,9 - 3,0%; Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS khoảng 49 tỷ USD; Tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 92,5%; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận làm rõ những kết quả đã đạt được của ngành, địa phương, đơn vị trong năm 2021 và đề xuất các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành năm 2022.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được, đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước trong năm 2021. Định hướng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh ngành cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn; nâng cao tầm dự báo chiến lược kịp thời, chính xác hơn; tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả và đem lại giá trị gia tăng cao hơn. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa của từng vùng miền; đồng bộ hóa các giải pháp và chương trình, kế hoạch hành động phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, đi đôi với hoàn thiện thể chế. Đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm quốc gia, sản phẩm vùng, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia, sản phẩm quốc tế, sản phẩm vùng miền. Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn,…

T.P