Phòng, chống bạo lực học đường, ngăn ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong trường học
Lượt xem: 748
0:00 / 0:00

Thời gian qua, nhiều vụ việc bạo lực học đường xảy ra được phát hiện qua những clip mà học sinh đưa lên mạng xã hội như học sinh đánh bạn, giáo viên bạo hành học sinh, học sinh xúc phạm giáo viên… Tuy nhiên, ngoài việc xử lý học sinh vi phạm, có trường hợp còn xử phạt người đã quay clip rồi tung lên mạng. 

Ngày 09/01/2024, trên mạng xã hội có lan truyền clip về việc một số nam thanh niên đánh hội đồng em K học sinh lớp 10 trường THPT thành phố Trà Vinh. Điều đáng nói ở đây, tại thời điểm xảy ra vụ việc có rất nhiều học sinh khác chứng kiến nhưng không ai có động thái can ngăn, khiến học sinh bị đánh dẫn đến bất tỉnh và nhập viện cấp cứu với tỷ lệ thương tật 7%. Khi có tin báo, Công an thành phố Trà Vinh đã triển khai các biện pháp và mời các trường hợp có liên quan đến cơ quan Công an làm việc. Nguyên nhân dẫn đến sự việc trên là giữa 2 nhóm thanh thiếu niên có mâu thuẫn trong việc nói chuyện “cà khịa”, “hống hách” nên đã thách đánh nhau. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Trà Vinh đã khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng có liên quan, số còn lại đang củng cố hồ sơ, xử lý.

anh tin bai

Các đối tượng liên quan đến vụ đánh nhau trên địa bàn thành phố Trà Vinh

Vào tháng 3/2024, trên mạng xã hội cũng lan truyền việc 1 nữ sinh dùng tay chân đánh và đá vào một nữ sinh khác trước một cổng trường trên địa bàn huyện Duyên Hải, mặc dù được can ngăn nhưng nữ sinh này liên tục đánh, đá khiến cho bạn bị thương. Ngay say đó, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương mời các học sinh có liên quan làm việc, cho viết tường trình, kiểm điểm và giáo dục để không tái phạm.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên dân dẫn đến bạo lực học đường thường là do ảnh hưởng của môi trường xã hội. Tác động tiêu cực của internet, game bạo lực, những hành vi bạo lực trong phim ảnh đã vô hình dẫn dắt học sinh về cách cư xử bạo lực và được chúng mang vào trường học. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại các trường học chưa đạt hiệu quả cao. Một số gia đình thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý con cái hoặc nuông chiều con quá mức. Có những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, bố mẹ ly hôn, cờ bạc, cãi nhau trước mặt con cái… nên ngay từ nhỏ đã tiêm nhiễm vào các em những hành vi bạo lực. Ngoài ra, do đặc điểm tâm sinh lý chưa hoàn thiện, dễ nổi cáu gây ra những hành động bộc phát, dễ bị lôi kéo, kích động, muốn thể hiện bản thân…

Theo số liệu thống kê, bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực đối với ngành giáo dục và tâm lý học sinh. Trong đó, nạn nhân của bạo lực học đường gặp phải rất nhiều tổn hại về sức khỏe và sự phát triển. Nạn nhân của bạo lực học đường cũng thường có những biểu hiện lầm lì, ít nói, mất tự tin, luôn ở trong trạng thái lo lắng, ngại tiếp xúc, lo sợ khi đến trường, thậm chí phát sinh các vấn đề về tâm thần, kết quả học tập sa sút.

anh tin bai

Ban Thanh niên Công an tỉnh tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh

Để nâng cao công tác phòng, chống bạo lực học đường, Ban Thanh niên Công an tỉnh đã phối hợp với các Huyện, Thị, Thành Đoàn và các trường THCS, THPT trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường, ngăn ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong trường học. Tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa lực lượng Công an với nhà trường trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sát với tình hình thực tế, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với nạn xâm hại tình dục, phòng, chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm trên không gian mạng, lan tỏa phong trào tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến các nhà trường và Nhân dân.

Cùng với việc tuyên truyền pháp luật và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bạo lực học đường. Thời gian tới, Nhà trường phối hợp với các cấp, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh về kỹ năng sống, về văn hóa ứng xử, giao tiếp,… đồng thời có biện pháp kỷ luật tích cực để học sinh thay đổi nhận thức và hành vi; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, ứng xử văn hóa cả trong và ngoài trường học.

Phạm Hơn

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image