Năm 2024: phấn đấu có thêm 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên
Lượt xem: 391

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn tỉnh năm 2024.

anh tin bai

Gian hàng giới thiệu, tôn vinh sản phẩm OCOP tỉnh Trà Vinh tại Hội chợ thương mại

Kế hoạch xác định xây dựng sản phẩm OCOP là nội dung quan trọng của tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; là nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện thường xuyên, lâu dài của chính quyền địa phương.

Theo đó, mục tiêu chung là nhằm triển khai hiệu quả, đồng bộ các nội dung Chương trình OCOP và xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm OCOP; hoàn thiện, nâng cấp các sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP; đẩy mạnh công tác phát triển sản phẩm ngày càng tăng về số lượng và chất lượng; tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đối với các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý và quản trị doanh nghiệp, phát triển sản phẩm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP.

Năm 2024, tỉnh phấn đấu có thêm 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, cụ thể: thành phố Trà Vinh, huyện Tiểu Cần, huyện Châu Thành, huyện Càng Long, thị xã Duyên Hải, mỗi đơn vị đạt 4 sản phẩm; các huyện Cầu Kè, Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải, mỗi đơn vị đạt 5 sản phẩm.

Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp, phát triển sản phẩm cho các cơ sở sản xuất tham gia Chương trình OCOP, nâng chất và phát triển sản phẩm OCOP, tăng cường chuyển đổi số và xây dựng ít nhất 5 nhãn hiệu sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, đào tạo tập huấn Chương trình OCOP; nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm OCOP; đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, chú trọng thực hiện các chính sách liên quan đến chương trình hỗ trợ các cơ sở tham gia chương trình, hỗ trợ sản xuất sản phẩm OCOP và chi phí thuê, xây dựng các cửa hàng OCOP, mua máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất cho các cơ sở ngành nghề nông thôn có sản phẩm đạt OCOP. Tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng hồ sơ, đánh giá sản phẩm và thực thiện tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 2 lần/năm: đối với cấp huyện đợt 1 hoàn thành trong tháng 5, đợt 2 trong tháng 9; cấp tỉnh đợt 1 hoàn thành trong tháng 6, đợt 2 trong tháng 10.

Trúc Phương